leftcenterrightdel
Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên toà.

Ngày 12/4, VKSND TP.HCM cho biết, vừa có văn bản kháng nghị bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM về vụ án ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Theo VKSND TP.HCM, bản án tuyên không nhận định đầy đủ và nêu chưa chính xác ý kiến phát biểu của đại diện VKS tại phiên toà ngày 27/3/2019. Toà án vi phạm thủ tục tố tụng khi giải quyết yêu cầu phản tố của đương sự. Cụ thể ngày 18/7/2016, ông Vũ có yêu cầu phản tố chia tiền, vàng và ngoại tệ mà bà Thảo gửi tại các ngân hàng Eximbank, Vietcombank và BIDV.

Khi thụ lý yêu cầu này, thẩm phán không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trước khi mở phiên toà, mà lồng ghép việc này trong quá trình xét xử và không được sự chấp nhận của bà Thảo là vi phạm điều 48, 202, 203, 208 và 210 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

VKSND TP.HCM nhận định, bản án tuyên thời gian cấp dưỡng tính từ năm 2013 đến khi các con trưởng thành, lao động và tự lập được là chưa phù hợp với ý chí của các đương sự tại phiên toà và gây khó khăn cho việc thi hành án.

leftcenterrightdel
Phiên toà xét xử vụ ly hôn vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên. 

Mặt khác, bản án tính số tài sản chung không đúng. Từ đó dẫn đến số tiền mỗi bên được hưởng, số tiền chênh lệch ông Vũ phải trả bà Thảo, số tiền án phí các đương sự phải chịu đều không đúng. Bản án đã chia cho ông Vũ hưởng 60% và bà Thảo hưởng 40% cổ phần là không phù hợp với quy định của pháp luật. Đồng thời, việc giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần tại 7 công ty và trả chênh lệch tài sản cho bà Thảo là không công bằng.

VKSND TP.HCM cho rằng, bản án không tuyên đình chỉ giải quyết đối với các yêu cầu khởi kiện và yêu cầu phản tố đã rút là thiếu sót. Việc áp dụng nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 (ngày 30/12/2016) làm căn cứ để tính án phí là chưa chính xác, bởi lẽ vụ án đã được thụ lý từ năm 2015.

Theo VKSND TP.HCM, Hội đồng xét xử sơ thẩm chưa xác minh làm rõ nguồn gốc hình thành số tiền, sau đó được chuyển đến đâu, thời gian nào, sử dụng vào mục đích gì, và hiện nay ai đang quản lý. Chỉ khi đã làm rõ thì mới đảm bảo việc chia tài sản chung của các đơn sự. Quyết định của bản án là chưa chính xác, gây khó khăn cho việc thi hành án.

Ngoài ra, bản án tuyên kể từ ngày bà Thảo có đơn đề nghị thi hành án, ông Vũ không tự nguyện thi hành thì hàng tháng còn phải chịu lãi suất theo mức lãi suất quá hạn trung bình, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với số tiền chưa thi hành án tương ứng và thời hạn chưa thi hành án là chưa đúng với quy định tại điều 357 Bộ luật dân sự 2015./.

Phi Sơn - Nguyễn Lánh