Thuốc lá điện tử được cảnh báo gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Thế nhưng, thời gian gần đây, xu hướng  giới trẻ hút thuốc lá điện tử đang gia tăng đáng báo động, nhất là đối tượng học sinh. Đặc biệt nguy hiểm hơn, tình trạng  các đối tượng phạm tội có hành vi trộn các chất ma túy vào dung dịch tinh dầu tạo mùi hương liệu để bơm vào thuốc lá điện tử, trộn các chất ma túy vào dung dịch tạo ra “nước vui”, đóng gói thành các loại nước uống để bán ra thị trường.

Để ngăn chặn hiểm họa ma túy núp bóng, VKSND tối cao đã ban hành kiến nghị gửi các cơ quan quản lý nhà nước đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy.

Trộn các chất ma túy vào thuốc lá diện tử

Theo báo cáo của Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, thời gian qua, tỉ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng), đặc biệt là trong giới trẻ đã gia tăng nhanh chóng. 

Tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong khi đó, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7%. Đây là con số đáng lo ngại.

Báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Riêng người dưới 18 tuổi có 71 ca, 10% trong số đó là nữ giới.

Theo số liệu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), trong năm 2023, toàn quốc phát hiện, bắt giữ 442 vụ, 808 đối tượng có liên quan đến các loại ma tuý "núp bóng" thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử... Trong đó, đã khởi tố 345 vụ án, hơn 600 bị can phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma tuý dạng "núp bóng" (tăng gần 7 lần so với năm 2022).

Điển hình, cuối năm 2023 vừa qua, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma túy (Vụ 4), VKSND tối cao thụ lý giải quyết 2 vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Vụ 4 cho biết,  các bị can và đối tượng liên quan đã có hành vi trộn các chất ma túy vào dung dịch tinh dầu tạo mùi hương liệu của thuốc lá điện tử rồi bơm vào vỏ điếu thuốc lá điện tử (Pod); trộn các chất ma túy vào dung dịch tạo thành “Nước vui” rồi đóng vào hộp bên ngoài ghi chữ “OK” hoặc đóng gói bên ngoài ghi chữ “CHALI”, “CRISPY FRUIT”, “Deadpool”, “COFFEE” và “FOR YOU” để bán cho người sử dụng.

leftcenterrightdel
 Lực lượng chức năng khám xét chỗ ở của đối tượng Lê Anh Thơ, thu giữ nhiều tang vật. Ảnh: BCA

Đặc biệt, các sản phẩm thuốc lá điện tử và “Nước vui” chứa chất ma túy này, trong thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng tại nhiều tỉnh, thành phố đã phát hiện được bán tại nhiều cửa hàng tạp hóa, quán nước gần các Trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông… và nhiều em học sinh bị ngộ độc chất ma túy (Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thành phố Hải Phòng, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…) gây hoang mang, lo lắng trong cộng đồng xã hội.

Vụ án Lê Anh Thơ cùng đồng phạm bị khởi tố về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự. Theo đó, tháng 9/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an phối hợp với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại Quốc lộ 1A, thuộc khu vực xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội phát hiện tại nhà số 19, xóm Mới, thôn Phương Nhị, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội (do Lê Anh Thơ thuê) có biểu hiện mua bán trái phép chất ma túy. Tổ công tác tiến hành kiểm tra phát hiện, tại tầng 1 có nhiều kiện hàng chứa điếu thuốc lá điện tử (Pod) và máy móc, thiết bị để bơm dung dịch vào điếu thuốc lá điện tử; tại tầng 2 có một số đối tượng nam giới đang sử dụng máy, thiết bị bơm dung dịch dạng nước vào các vỏ điếu thuốc lá điện tử và đóng gói. Các đối tượng này khai nhận, dung dịch bơm vào các điếu thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy (Kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an là chất ma túy MDMB-4en-PINACA trong các mẫu gửi giám định) và sau khi đóng gói hoàn thiện sẽ bán với giá 600.000 đồng/pod cho người khác sử dụng. Tổ công tác đã tiến hành bắt người phạm tội quả tang và thu giữ tang vật theo quy định.

Điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu giữ được số lượng rất lớn các chất ma túy và các điếu thuốc lá điện tử chứa các chất ma túy tại nơi ở của Lê Anh Thơ tại khu đô thị Sống Hoàng, phường Mai Động, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội.

Trước đó, liên quan vụ án Nguyễn Thị Hoài cùng đồng phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, vào tháng 6/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) Bộ Công an phối hợp với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại khu vực đường Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh phát hiện, bắt quả tang hai đối tượng đang vận chuyển trái phép 53.806,6 gam các chất ma túy Methamphetamine, MDMA và Nimetazepham (Kết luận giám định của Phân Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh) được đóng gói trong các hộp, gói (nhiều hộp chữ nhật, bên ngoài ghi chữ “OK”; nhiều gói ghi chữ “CHALI”, “CRISPY FRUIT”, “Deadpool”, “COFFEE” và “FOR YOU.

Theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy, các loại ma túy núp bóng này tồn tại dưới hai dạng gồm: Các loại hàng hóa như bánh, kẹo, thực phẩm chức năng, dược phẩm… có chứa chất ma túy được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng ở một số nước trên thế giới. Loại thứ hai là, ma túy do tội phạm thực hiện hành vi pha trộn, tẩm ướp, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc… Mục tiêu mà các đối tượng tội phạm hướng tới để tiêu thụ ma túy núp bóng thường là các em học sinh, sinh viên.

Đại tá Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Giám định ma túy, Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, cho biết: Các đối tượng đưa lên mạng, thông tin chất này chỉ là những chất kích thích, không phải ma túy. Nhưng thực chất, đây là những chất kích thích, rất có hại với cơ thể người sử dụng, đặc biệt là tác động mạnh vào hệ thống thần kinh trung ương và hệ thống tim mạch. Nhiều người sử dụng đã để lại hậu quả về sức khỏe, thậm chí là tử vong.

Hiện nay, dù quyết liệt, nhưng nhiều vẫn khó xử lý triệt để tình trạng thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử, bởi thuốc lá điện tử chưa phải là mặt hàng bị cấm lưu hành; việc xử phạt hành chính về “kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hoá nhập lậu” chưa đủ sức răn đe so với số lợi nhuận mà nó mang lại.  Thêm vào đó, thuốc lá điện tử không được quy định là “thuốc lá”, không chịu chế tài xử lý theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012. Do đó, nhiều người trẻ cho rằng thuốc lá điện tử an toàn, không gây nghiện và ngày càng sử dụng nhiều hơn để thể hiện bản thân, tạo điều kiện để các loại ma tuý, chất gây nghiện “ẩn núp”.

VKSND tối cao kiến nghị ngăn chặn hiểm họa ma túy "núp bóng"

Để đảm bảo phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về kinh doanh, buôn bán hàng hóa và giáo dục đào tạo, vừa qua, VKSND tối cao đã ban hành kiến nghị, gửi các cơ quan chức năng.

VKSND tối cao kiến nghị Tổng cục Quản lý thị trường: Tăng cường biện pháp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh, kinh doanh hàng hóa có điều kiện, các loại hàng hóa chưa được cấp phép để kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền (Bộ Công thương, Chính phủ…) ban hành văn bản thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật; đồng thời, có biện pháp nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống các hành vi buôn bán hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…để kịp thời phát hiện, thu hồi;

leftcenterrightdel
 Cơ quan chức năng bắt giữ hàng trăm bộ thuốc lá điện tử.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật đối với cán bộ, nhân viên, các công ty, hộ kinh doanh và nhân dân trong quản lý, hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng hóa để chủ động phòng, chống vi phạm và tội phạm;

Thanh tra, kiểm tra, chủ động và nhanh chóng phát hiện vi phạm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong quản lý, hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng hóa để kịp thời khắc phục sơ hở, thiếu sót và hậu quả do hành vi vi phạm, tội phạm đã gây ra; đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị và cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Kiến nghị Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên: Tăng cường biện pháp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý giáo dục và đào tạo, hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống ma túy tại các đơn vị, nhà trường kịp thời phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm để có biện pháp chấn chỉnh, ngăn chặn không để hậu quả xảy ra.

 Tăng cường phối hợp với ngành Công an, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống ma túy cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên, người lao động tại các nhà trường và gia đình người học để chủ động phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chủ động và nhanh chóng phát hiện vi phạm trong công tác phòng, chống ma túy tại các đơn vị, nhà trường để kịp thời khắc phục sơ hở, thiếu sót và hậu quả do hành vi tội phạm, vi phạm đã gây ra; đồng thời, xử lý nghiêm các đơn vị, nhà trường và cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.  

Có thể nói, thuốc lá điện tử đang là mối lo ngại cho toàn xã hội với nhiều hệ lụy khôn lường. Đã đến lúc cả xã hội cùng chung tay để ngăn chặn loại hình gây nghiện mới nhiều nguy hại này. 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký công điện yêu cầu tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Theo đó, để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ người sử dụng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Các Bộ: Tài chính, Công an, Quốc phòng, Công thương chỉ đạo lực lượng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực biên giới, đường mòn, lối mở; xác lập chuyên án đấu tranh với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, các đối tượng đầu nậu, tập trung vào các đối tượng buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch thuốc lá điện tử để khởi tố, truy tố trước pháp luật; tăng cường quản lý thị trường nội địa để phát hiện các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng....

Thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có khoảng 213.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có khoảng trên 81.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy ở độ tuổi từ 16 - 30 tuổi, chiếm khoảng 38%.


PV