Gia tăng tội phạm “Giết người”
Theo VKSND tỉnh Long An, thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh Long An trong những tháng đầu năm 2024, tội phạm giết người ngày càng tăng. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Cơ quan CSĐT đã khởi tố 16 vụ/46 bị can về tội “Giết người”, tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm trước.
Đối tượng phạm tội rất đa dạng, ít học hoặc bỏ học, lười lao động, một số thanh thiếu niên thường tụ tập thành các băng, nhóm ăn chơi lêu lỏng, mang theo hung khí nguy hiểm như: súng quân dụng, dao nhọn, dao lê, mã tấu... sẵn sàng bắn, đâm chém người khác gây tâm lý hoang mang, lo lắng, bất bình trong nhân dân. Có trường hợp đối tượng thực hiện hành vi phạm tội giết người là người chưa thành niên.
|
|
Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh Long An trong những tháng đầu năm 2024, tội phạm giết người ngày càng tăng. |
Về tính chất, phương thức, thủ đoạn tội phạm xảy ra trên địa bàn ngày càng phức tạp, manh động, côn đồ. Nguyên nhân chủ yếu do các mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày, ghen tuông tình ái hoặc bộc phát khi sử dụng rượu, bia…
Bên cạnh đó, do nhận thức pháp luật của nhiều người dân còn nhiều hạn chế, không suy nghĩ đến hậu quả, tác hại xảy ra, trong ứng xử không tôn trọng lẫn nhau, suy giảm về đạo đức, thiếu kính trên nhường dưới trong các mối quan hệ. Đặc biệt, có những vụ án xảy ra chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt, nhưng đối tượng lại có hành vi giết chết người thân, anh em ruột của mình, họ hàng của mình.
Qua phân tích các vụ án cho thấy, nguyên nhân xảy ra các vụ giết người thường mang tính bộc phát cá nhân, mâu thuẫn về lời nói, hành động khiêu khích nhau trong sinh hoạt hàng ngày hoặc do ghen tuông tình ái nên đối tượng thực hiện hành vi phạm tội; Một số trường hợp mâu thuẫn do tranh chấp tài sản, nhiều đối tượng có tính côn đồ, hung hãn, khi xảy ra mâu thuẫn đối tượng sử dụng vũ khí, hung khí gây thương tích cho người khác. Một số vụ việc tuy không mang tính chất băng nhóm nhưng khi bị khiêu khích, kích động thì gọi điện cho người thân, bạn bè đồng hương cùng đến để giải quyết vấn đề, gây hậu quả nghiêm trọng; Một nguyên nhân nữa đó là công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật trong quần chúng nhân dân của các cơ quan, ban ngành chưa được chú trọng đúng mức, chưa phát huy hết hiệu quả, chưa thực sự đi sâu vào từng người dân.
Trước diễn biến phức tạp trên thì công tác đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng được tiến hành khẩn trương. VKSND tỉnh Long An đã chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra và TAND chọn 7 vụ án điểm về tội “Giết người” để điều tra, truy tố, xét xử khẩn trương, chính xác đúng người, đúng tội, đúng tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi phạm tội, nhằm mục đích giáo dục, thúc đẩy phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, giữ gìn trật tự xã hội, nhưng đến nay tội phạm này vẫn chưa có chiều hướng giảm. Không chỉ ở giai đoạn hiện tại mà trong thời gian tới, tình hình tội phạm giết người sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Hạn chế đến mức thấp nhất án “Giết người”
Để bảo đảm phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất án giết người xảy ra trong những tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Ngày 18/3/2024, Viện trưởng VKSND tỉnh Long An đã ban hành kiến nghị số 14/KN-VKSLA-P2 đến UBND tỉnh và Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An một số nội dung như:
Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thực hiện có hiệu quả các đề án được giao trong chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030, lồng ghép các biện pháp phòng ngừa tội phạm giết người với nội dung, nhiệm vụ của đề án; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng, chống tội phạm góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, tạo môi trường ổn định, an toàn để xây dựng và phát triển địa phương;
Đối với ngành Công an: Cần tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực tham gia phòng, chống các loại tội phạm, đáng lưu ý là tội phạm hình sự nguy hiểm trong đó có tội phạm “Giết người” theo Đề án III thuộc Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp quản lý hành chính về trật tự xã hội nhằm phục vụ phòng ngừa, trấn áp tội phạm. Đi đôi với công tác trên, Công an các địa phương, cơ sở cần phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể quần chúng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp.
Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, phòng ngừa; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân về tình hình tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền giáo dục hình thành nhân cách, phẩm chất đạo đức lối sống cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên, học sinh ở các trường trung học phổ thông. Tập trung tuyên truyền pháp luật về hình sự, dân sự, phòng chống bạo lực trong học đường, Luật hôn nhân và gia đình, Luật khiếu nại tố cáo, Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình.
Các đoàn thể và chính quyền địa phương cần kiên quyết, tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, tránh những mâu thuẫn hoặc những vi phạm nhỏ không được xử lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết sau đó dẫn đến tội phạm; Phổ biến tuyên truyền các gia đình, các hội đoàn thể, hội nghề nghiệp cùng các tổ chức khác hướng mọi thành viên tích cực tham gia phòng, chống tội phạm từ trong gia đình, cơ quan, tổ chức trong đó chủ yếu tập trung phòng ngừa những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ có hiệu quả tính mạng cá nhân, người thân và thành viên tổ chức mình./.