Theo đánh giá của VKSND tỉnh Hoà Bình, thời gian gần đây, tình hình vi phạm, tội phạm có liên quan đến các em học sinh đang học THPT, THCS trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh cao. Nhất là các tội Giết người, Cố ý gây thương tích... gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm hoang mang, lo lắng và bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.

Theo số liệu thống kê của VKSND tỉnh, tính từ tháng 12/2020 đến hết tháng 5/2023, VKSND hai cấp của tỉnh đã thụ lý, kiểm sát việc giải quyết 20 tin báo, tố giác về tội phạm. Kiểm sát điều tra 14 vụ với 18 bị can là học sinh đang học trong các trường học tham gia, thực hiện hành vi vi phạm, tội phạm.

Điển hình như: vụ Ng.Ph.T (SN 2008), học sinh lớp 9 trường Tiểu học và Trung học cơ sở Trường Sơn, thuộc xã Cao Sơn (Lương Sơn) bị khởi tố về tội Giết người”. 
Theo nội dung vụ án, học sinh này đã có hành vi dùng dao mang sẵn theo người, chém nhiều nhát vào vùng đầu của B.M.S (SN 2008) là bạn học cùng lớp.

Hoặc như vụ Ng.Th.H.G (SN 2008), trú tại xóm Đại Đồng, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thuỷ, bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích do có hành vi dùng dao gấp đâm bạn học ở trường khác, gây thương tích và tổn hại 37% sức khỏe.

Hay như vụ H.C.T (SN 2010) là học sinh lớp 7C Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Sào Báy (Kim Bôi) dùng dao nhọn đâm B.T.K (SN 2009) là học sinh lớp 8B, ngay tại sân trường.

Theo đồng chí Đinh Thế Hệ, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh: Về tính chất, mức độ của các vụ việc, vụ án do các đối tượng là học sinh gây ra đều mang tính côn đồ, mạnh động và liều lĩnh, có sử dụng hung khí nguy hiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn trong trường học.  Địa bàn xảy ra nhiều như: Thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn, huyện Yên Thủy...

Đối tượng phạm tội bao gồm có cả các em là học sinh nam, học sinh nữ và thường các em trong độ tuổi đang học lớp 8 đến lớp 12.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các em học sinh tham gia, thực hiện hành vi vi phạm, tội phạm là do sự thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý của gia đình, sự phối hợp trong việc quản lý, giáo dục giữa nhà trường và gia đình chưa tốt, chưa thường xuyên, kịp thời. Bên cạnh đó, về đạo đức xã hội cũng như môi trường xã hội bị tác động xấu của mặt trái của nền kinh tế thị trường, cùng với sự du nhập của các loại văn hóa phẩm đồi trụy, phim ảnh bạo lực cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các em học sinh.

Để làm tốt và tăng cường công tác quản lý, giáo dục và phòng ngừa, ngăn chặn đối với tình trạng học sinh thực hiện các hành vi vi phạm, tội phạm. VKSND tỉnh đề nghị Sở GD&ĐT tỉnh có những biện pháp và chỉ đạo các Phòng Giáo dục các huyện, thành phố, các trường học, các Trung tâm giáo dục nêu cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác quản lý, giáo dục học sinh. Làm tốt công tác tuyên truyền về tác hại cũng như cách phòng tránh bạo lực học đường đối với giáo viên và học sinh.

Đồng thời, có các giải pháp thiết thực và phù hợp nhằm nâng cao sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị trong công tác phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng học sinh vi phạm, tội phạm. Đảm bảo môi trường giáo dục, nói không với bạo lực học đường. Đề nghị Sở GD&ĐT tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền việc quản lý, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm và nhận thức cũng như việc tuân thủ pháp luật của học sinh trong các trường học nhằm ngăn chặn triệt để các vi phạm, tội phạm xảy ra.

 

Văn Hùng