Thực hiện chức năng của Ngành về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, VKSND huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) vừa ban hành kiến nghị phòng ngừa tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND huyện Sa Thầy thực hành quyền công tố tại một phiên tòa hình sự xét xử tội "Giao cấu với người từ 13 tuổi đến 16 tuổi". (Ảnh minh hoạ).

VKSND huyện Sa Thầy cho biết, từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2023, tình hình tội phạm trên địa bàn huyện diễn biến khá phức tạp, đặc biệt tội phạm trong lĩnh vực xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng tăng.

Trong khi đó, qua rà soát và đánh giá cho thấy, công tác tư pháp - hộ tịch tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sa Thầy còn nhiều hạn chế, cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ chưa nâng cao trách nhiệm trong việc bảo vệ quyền trẻ em.

Cụ thể, theo qui định của pháp luật, để được cấp giấy khai sinh công dân phải ghi thông tin cơ bản (ngày, tháng, năm sinh của bố, mẹ), từ đó thể hiện người mẹ khi sinh con đã đảm bảo đúng quy định, hay mới trên 13 đến dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, quá trình thực thi nhiệm vụ, cán bộ hộ tịch chưa kịp thời phát hiện và thông báo, tố giác tội phạm đến các cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp phòng ngừa và xử lý.

Hơn nữa, thực tế cho thấy, các vụ án xâm hại tình dục trẻ em khi được khởi tố, truy tố, xét xử đều do bị hại tố cáo (khi đã sinh con), hoặc bị can tự khai nhận hành vi xâm hại trẻ em khi bị khởi tố điều tra trong một vụ án khác, không có vụ, việc nào do cán bộ hộ tịch tại cơ sở cung cấp nguồn tin. Điều này dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em bị xâm hại kéo dài, chậm được phát hiện.        

Từ nhận định trên, Viện trưởng VKSND huyện Sa Thầy đã ban hành kiến nghị số 02/KN-VKSST, ngày 12/4/2023, đề nghị Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo các UBND xã, thị trấn tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phối hợp với các ban, ngành liên quan làm tốt công tác đấu tranh, phòng chống vi phạm và tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn.

Chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em phát huy vai trò của các kênh truyền thông đưa tin về thực hiện các quyền trẻ em để nâng cao nhận thức của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc lắng nghe tiếng nói của trẻ em.

Mặt khác, kiên quyết xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác, không thông báo hoặc che giấu các vụ, việc xâm hại trẻ em.

Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, phải kịp thời thông tin, thông báo đến Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để tiến hành xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, VKSND huyện Sa Thầy cũng đề nghị Chủ tịch UBND huyện, tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với công chức tư pháp - hộ tịch tại các xã, thị trấn để xảy ra thiếu sót trong công tác này./.

Nguyễn Chính - Phúc Hòa