Trên địa bàn huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay đang xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông có liên quan đến việc tham gia giao thông của xe mô tô ba bánh (hay còn gọi là xe ba-gác). Việc người dân sử dụng xe mô tô ba bánh để vận chuyển hàng hóa có diễn biến phức tạp, khả năng tiềm ẩn mất an toàn giao thông cao, vì loại xe mô tô ba bánh không được phép hoạt động trong đường đô thị và Quốc lộ, nguồn gốc xuất xứ, kiểm định, các điều kiện có liên quan đối với người điều khiển và đối với phương tiện này còn chưa được đảm bảo.

Vẫn còn xe mô tô ba bánh tự chế, xe không rõ nguồn gốc xuất xứ, biển số không rõ ràng có dấu hiệu làm giả, người điều khiển phương tiện không có giấy phép đúng theo quy định,… và việc vận chuyển hàng hóa có dấu hiệu không đảm bảo quy định về chiều cao, chiều rộng, chiều dài,… gây mất trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên hiện nay, loại xe này thực tế đang lưu thông trên Quốc lộ 49, đường Hồ Chí Minh và đường đô thị của thị trấn A Lưới với mật độ và số lượng khá nhiều, vi phạm Quyết định số 01/2022/QĐ-UBND ngày 10/1/2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ban hành quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự hoạt động vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

leftcenterrightdel
 Một vụ tai nạn giao thông liên quan đến mô tô 3 bánh.

Trên thực tế đã xảy ra tai nạn giao thông, điển hình là vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 10 giờ 50 ngày 27/08/2022, tại Km345+150 đường Hồ Chí Minh, thuộc thôn Quảng Phú, xã Sơn Thủy, huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế; giữa xe mô tô hai bánh mang BKS: 75L1-093.53 do ông Đoàn Phúc trú tại Thôn Cưr Xo, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế chở theo bà Nguyễn Thị Nguyệt va chạm với xe mô tô ba bánh, nhãn hiệu LONCIN, mang BKS 60Y3-3457 do anh Lê Thanh Việt, trú tại Tổ dân phố 5, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới điều khiển. Hậu quả Ông Phúc bị thương với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 28 % và bà Nguyệt bị thương với tỷ lệ thương tật là 48%. Vụ tai nạn cho thấy việc xe mô tô ba bánh cố ý lưu thông tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn khá cao.

Ngoài ra, hiện nay việc nuôi, nhốt, mua bán,… các loài chim có nguồn gốc từ thiên nhiên (động vật hoang dã) trên địa bàn huyện đang rất phổ biến, cụ thể là nuôi, nhốt, mua bán,…. loài chim Khướu bạc má chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đây là hành vi phạm quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán Quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, nhưng hiện tại chưa được các cơ quan quản lý một cách chặt chẽ.

Để xảy ra tình trạng trên là do công tác kiểm tra, quản lý và xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền còn chưa thật sự quyết liệt nên người dân chưa có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, chưa chú trọng việc tìm hiểu các quy định của pháp luật có liên quan dẫn đến vi phạm. Công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân còn chưa nhiều, chưa sâu đến các vấn đề nổi cộm nêu trên.

Để góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và đảm bảo việc quản lý, bảo vệ động vật hoang dã đúng theo quy định của pháp luật. VKSND huyện A Lưới đã kiến nghị đối với đồng chí Chủ tịch UBND huyện A Lưới, để có biện pháp chỉ đạo phòng ngừa vi phạm, tội phạm đối với những vấn đề nổi cộm nêu trên.

Quang Thái - Thanh Phương