Thời gian qua, công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên địa bàn huyện Thường Xuân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng phổ biến và tinh vi, đã gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
leftcenterrightdel
 VKSND huyện Thường Xuân phối hợp với TAND huyện tổ chức phiên toà trực tuyến.
Được biết, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn huyện Thường Xuân xảy ra 10 vụ việc liên quan đến tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng xã hội với số tiền bị chiếm đoạt trên 4 tỉ đồng. Các đối tượng đã dùng những thủ đoạn như: Giả danh cán bộ cơ quan Công an, cơ quan nhà nước thông qua mạng xã hội như zalo, facebook để làm quen, kết bạn; nhắn tin, gọi điện...; hoặc các đối tượng bẻ khoá, đăng nhập vào các trang cá nhân, giả danh người thân, bạn bè để nhờ chuyển tiền; chiếm đoạt mã OTP, sử dụng tài khoản ngân hàng, tư vấn vay tiền trực tuyến qua ứng dụng...Nhiều vụ việc, vụ án, các đối tượng dùng thủ đoạn trên để lừa đảo chiếm đoạt của những người thiếu kiến thức, nhẹ dạ, cả tin với số tiền rất lớn.
Đơn cử, khoảng đầu tháng 4/2020, tài khoản Zalo tên Doctor kết bạn Zalo với chị Lê Thị L., ở khu 5, thị trấn Thường Xuân. Tài khoản trên nói sẽ chuyển cho chị L. 24.000.000 USD và yêu cầu chị trả phí vào 2 tài khoản ngân hàng với tổng số tiền trên 400 triệu đồng.
Hoặc với thủ đoạn kết bạn qua Zalo, đối tượng nhắn tin "nổ" có thể đưa người đi xuất khẩu lao động tại nước Nga, sau đó, yêu cầu chị Vi Thị Hồng P., ở khu 3, thị trấn Thường Xuân chuyển vào 2 tài khoản với tổng số tiền hơn 400.000.000 đồng...
Sau khi chiếm đoạt được tài sản, các đối tượng đã chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau, có cả tài khoản ở nước ngoài. Quá trình điều tra, xác minh chủ các tài khoản nêu trên hoặc không rõ nơi cư trú, hoặc bị mất giấy CMND, CCCD từ rất lâu và không phải tự mình mở các tài khoản đó, dẫn đến việc xác minh, điều tra, truy tìm tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng gặp rất nhiều khó khăn.
leftcenterrightdel
 Đồng chí Cao Văn Sơn, Viện trưởng VKSND huyện Thường Xuân, cho biết:  Các đối tượng phạm tội thường khai thác các lỗ hổng bảo mật trong kết nối internet để thực hiện các hành vi phạm tội...
Đồng chí Cao Văn Sơn, Viện trưởng VKSND huyện Thường Xuân cho biết: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng nêu trên là do các đối tượng phạm tội sử dụng thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện; lợi dụng các chương trình phần mềm kết nối internet thường có những lỗ hổng bảo mật, các đối tượng phạm tội khai thác các lỗ hổng bảo mật này để thực hiện các hành vi phạm tội. Mặt khác, trình độ nhận thức của một số người dân khi đăng nhập sử dụng máy tính, thiết bị số, mạng thông tin đối với việc đảm bảo an toàn cho thiết bị và hệ thống thông tin còn thấp, dẫn đến thiếu thông tin, không cảnh giác với các đối tượng phạm tội, đến khi bị mất tài sản mới biết bị lừa đảo.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục để người dân nâng cao cảnh giác đối với những thủ đoạn lừa đảo qua mạng chưa thực sự đạt hiệu quả; người dân vẫn mất cảnh giác, bị lừa mất số tiền rất lớn.
 
Để đảm bảo phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn, đặc biệt là các tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, Viện trưởng VKSND huyện Thường Xuân kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân các biện pháp để chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến nhân dân về thủ đoạn, hậu quả của các hành vi lừa đảo qua mạng xã hội với những hình thức phù hợp, thực chất nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác với tội phạm, ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân; Để nhân dân nhận biết các chiêu thức lừa đảo mới, tinh vi của các nhóm tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử.
 
Đồng thời, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không thực hiện theo các thông tin chưa được kiểm chứng, giao tiếp làm quen với người lạ qua mạng xã hội; Nâng cao cảnh giác trước những giao dịch chuyển, nhận tiền qua tài khoản ngân hàng khi chưa được xác thực.
 
Chỉ đạo lực lượng Công an tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi liên quan đến tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội. Chủ động tiếp nhận thông tin, hướng dẫn các trường hợp bị chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng cần thông báo ngay đến ngân hàng mở tài khoản, đồng thời hướng dẫn người dân chủ động tìm hiểu, lưu giữ các thông tin liên quan đến đối tượng chiếm đoạt tài sản và báo ngay đến cơ quan chức năng để xác minh, làm rõ.
 
Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ cơ chế phối hợp trong việc cung cấp thông tin với các đơn vị tại địa phương và ngược lại. Phối hợp chặt chẽ trong việc nắm tình hình, kịp thời phát hiện các hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện tội phạm để chủ động ngăn chặn, phòng ngừa.
 
Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân đã có văn bản trả lời chấp thuận kiến nghị và chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện các giải pháp theo kiến nghị của VKSND huyện.
Đinh Huê