leftcenterrightdel
 Kho hàng chứa toàn bộ phân bón giả tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Tình trạng sản xuất, buôn bán diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng

Đắk Lắk là một tỉnh có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước hơn 600.000 ha. Cùng với đó, khí hậu ôn hòa, địa hình đất sản xuất nông nghiệp khá bằng phẳng, đặc biệt có hơn 300.000 ha đất đỏ bazan màu mỡ, được đánh giá là đất sản xuất nông nghiệp tốt nhất. Chính vì vậy, Cấp ủy và chính quyền địa phương đã có những quy hoạch quan trọng, tập trung mạnh mẽ để cụ thể hóa những tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển nông nghiệp giá trị cao trên địa bàn tỉnh.

Với vai trò quan trọng, không thể thiếu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của người dân rất lớn có thể khẳng định, Đắk Lắk trong thời điểm hiện tại và tương lai sẽ là “thị trường tiềm năng” và cũng là “mảnh đất màu mỡ” cho nhiều đối tượng sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả lợi dụng để trục lợi.

Qua công tác Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhận thấy, trong thời gian gần đây tình hình vi phạm, tội phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và uy tín của một số doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Mặt khác, hoạt động sản xuất, buôn bán trái phép phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo các điều kiện theo quy định pháp luật còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xung quanh khu vực sản xuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, ảnh hưởng đến tài nguyên đất, nguồn nước và nền an ninh nông nghiệp nói chung. Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản Việt Nam đang hướng tới thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ nếu không đảm bảo chất lượng và việc xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và quan trọng nhất là ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào các cơ quan quản lý.

Thống kê từ ngày 1/1/2022 đến 31/7/2022, các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh đã phát hiện, tiếp nhận, thụ lý 05 tố giác, tin báo về tội phạm có dấu hiệu tội phạm về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (tăng 04 vụ và tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021; tăng 100% so với cùng kỳ năm 2019, 2020). Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố 03 vụ án/01 bị can về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón”, theo quy định tại Điều 195 Bộ luật Hình sự để điều tra xử lý theo quy định (tăng 02 vụ/01 bị can, tăng 33% về số vụ khởi tố và tăng 100% về số bị can so với cùng kỳ năm 2021; tăng 100% cả về số vụ khởi tố và số bị can so với cùng kỳ năm 2019, 2020), với tổng giá trị hàng hóa vi phạm được phát hiện, thu giữ lên đến hơn 14 tỷ đồng.

Điển hình, khoảng 14h ngày 4/6/2022, Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, phát hiện xe ô tô biển kiểm soát 47C-049.84 chở 200 bao phân NPK 27-7-7+TE nhưng tài xế không xuất trình được hoá đơn, chứng từ và trình bày là người chở hàng thuê cho Huỳnh Tấn Đàn (SN 1975, trú tại Tp. Buôn Ma Thuột). Mở rộng xác minh, khám nghiệm hiện trường tại kho phân bón của Huỳnh Tấn Đàn (đường 23B, thôn 6, xã Hoà Thuận, Tp. Buôn Ma Thuột), lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ 3 loại phân bón (NPK 27-7-7+TE; NPK 16-16-8+TE; NPK 17-17-17+TE) gồm 2.498 bao (loại 50kg/bao) với tổng khối lượng 124.900 kg (trị giá gần 2 tỉ đồng) cùng 26.325 kg nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Tại thời điểm kiểm tra Huỳnh Tấn Đàn khai nhận, vì muốn sản xuất, làm phân bón giả để thu lợi bất chính nên đã mua phân bón kém chất lượng trôi nổi trên thị trường sau đó thay đổi bao bì, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý rồi bán ra thị trường với giá rẻ hơn so với hàng nhập khẩu.

Hiện, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã Quyết định Khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Huỳnh Tấn Đàn về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón, quy định khoản 3, Điều 195 Bộ luật hình sự, cùng ngày Viện kiểm sát đã phê chuẩn các Lệnh, Quyết định nêu trên.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên VKSND tỉnh Đắk Lắk tham gia lấy lời khai "chủ kho phân bón giả".

Nguyên nhân phát sinh tội phạm

Qua công tác Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, cũng như thực trạng gia tăng của loại tội phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian qua, có thể nhận thấy các tội phạm này xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

Về khách quan

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng lớn, dân số đông, có nhiều dân tộc thiểu số và dân di cư từ các nơi khác đến sinh sống; địa bàn tỉnh còn có những khu vực là vùng sâu, vùng xa, điều kiện hạ tầng giao thông còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc tuyên truyền, phổ biến, tiếp cận thông tin, kiến thức về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân; cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hàng hóa là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh là nông nghiệp với diện tích đất canh tác nông nghiệp rất lớn, người dân phần lớn canh tác dưới hình thức trồng trọt nên đây là thị trường tốt để phát triển kinh doanh nhóm hàng hóa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, các đối tượng đã lợi dụng điều kiện thuận lợi này để sản xuất, buôn bán các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng rồi đưa ra thị trường, trà trộn với các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp pháp khác để tiêu thụ nhằm thu lợi bất chính.

Trong thời gian 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới nói chung có nhiều diễn biến phức tạp, các quốc gia đẩy mạnh thực hiện nhiều biện pháp phục hồi kinh tế sau COVID-19, nhiều nước trên thế giới có dấu hiệu lạm phát xảy ra, cuộc chiến tranh Nga - Ukraine ngày càng leo thang, kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế, làm khan hiếm nhiều loại hàng hóa, nguyên liệu dẫn đến giá cả nhiều mặt hàng trong nước tăng cao trong đó có phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Lợi dụng những yếu tố này, một số cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng sự sơ hở trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tiến hành các hoạt động sản xuất, buôn bán trái phép nhằm thu lợi bất chính.

Về chủ quan

Nhận thức của người dân nhiều nơi đặc biệt là nông dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, không phân biệt được phân bón thật, phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Thêm vào đó là tâm lý chuộng giá rẻ hoặc quá tin tưởng vào những lời quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của các đơn vị sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên vẫn mua phải hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.

Những cơ sở sản xuất phân bón giả, không đảm bảo chất lượng thường lợi dụng tâm lý ham lợi của một số đại lý với chiết khấu rất cao nên các đại lý vì lợi nhuận đã tiếp tay cho hành vi sản xuất, tiêu thụ phân bón giả, phân bón không đảm bảo chất lượng và hướng bà con nông dân mua các sản phẩm này.

Việc tuyên truyền, hướng dẫn cách thức nhận biết phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, cũng như phương thức thủ đoạn phạm tội cho bà con nông dân chưa thực sự hiệu quả.

Công tác quản lý nhà nước, phát hiện, xử lý vi phạm về hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn tồn tại các cơ sở sản xuất phân bón trái phép với diện tích rộng, cùng máy móc, thiết bị lớn, không đảm bảo về các điều kiện sản xuất, môi trường; một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón không đúng với nội dung giấy phép được cấp nhưng chưa được phát hiện kịp thời... dẫn đến hậu quả xảy ra là việc phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, không đảm bảo chất lượng đã được bán ra thị trường với số lượng lớn cho người nông dân tiêu thụ. Mặc dù trong thời gian qua số vụ việc đã được Cơ quan chức năng phát hiện tăng đột biến là một dấu hiệu tích cực cho thấy các cơ quan chức năng thực sự đã vào cuộc, tuy nhiên thực tế này vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng của hoạt động sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trái phép đang diễn ra trên địa bàn tỉnh.

leftcenterrightdel
Các đối tượng sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất phân bón giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ nơi sản xuất “USA”.

Nhận diện phương thức, thủ đoạn phạm tội

Các đối tượng lợi dung sự sơ hở trong công tác quản lý, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện những hành vi vi phạm như:

Thành lập doanh nghiệp rồi ký kết hợp đồng với các pháp nhân khác về việc mua bán phân bón để sang chiết hoặc ký hợp đồng nhận ủy quyền sử dụng tên thương mại sản phẩm của pháp nhân khác nhằm hợp thức hóa cho các sản phẩm do các đối tượng tự sản xuất trái phép;

Mua nguyên liệu thô để phối trộn hoặc pha trộn với một tỷ lệ nhỏ phân bón hợp pháp khác theo tỷ lệ công thức chưa được kiểm nghiệm để sản xuất ra sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành và bán ra thị trường với giá rẻ;

Mua phân bón kém chất lượng không rõ nguồn gốc trên thị trường rồi thay đổi nhãn mác, bao bì sản phẩm của các thương hiệu khác để bán lại ra thị trường;

Thu thập các thông tin của doanh nghiệp phân bón hợp pháp khác từ mạng internet như số quyết định công nhận phân bón lưu hành, địa chỉ sản xuất… để đặt in bao bì cho các sản phẩm do các đối tượng tự sản xuất với các thông tin không đúng sự thật; lựa chọn những khu vực xa nơi có dân cư hoặc nơi có ít dân cư sinh sống để dựng nhà xưởng sản xuất nhằm tránh sự để ý, phát hiện của cơ quan chức năng…

Về chất lượng một số loại phân bón được sản xuất trái phép, Cơ quan điều tra đã tiến hành trưng cầu giám định, trong đó đơn vị giám định đã kết luận nhiều mẫu phân bón có hàm lượng, chỉ tiêu chất chính đạt dưới 70% so với chỉ tiêu công bố. Một số mẫu phân bón có chỉ tiêu hàm lượng vượt gấp nhiều lần so với chỉ tiêu công bố. Điều này dẫn đến người dân mua phải những loại phân bón không đảm bảo chất lượng gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, một số loại có hàm lượng chỉ tiêu chất chính cao vượt gấp nhiều lần nhưng chưa được khảo nghiệm có thể dẫn đến tăng trưởng quá mức đối với cây trồng, để lại dư lượng chất có hại trong đất cao, về lâu dài có hại cho đất và cây trồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, các đối tượng khai nhận phương thức chủ yếu để sản xuất phân bón giả bằng cách pha trộn các loại nguyên liệu với nhau theo các công thức mà các đối tượng tự thu thập được. Ví dụ: Đối với Phân bón vô cơ thì các đối tượng mua nguyên liệu như Bo, Đạm, Lân, Mg, Humic, Kali, Đồng Sulphate, Kẽm, Acid Amin tổng hợp… sau đó đưa tất cả các thành phần vào cối trộn thô sơ hoặc thuê nhân công xúc trộn thủ công rồi đóng gói vào bao bì với các khối lượng khác nhau.

Đối với phân bón hữu cơ, các đối tượng sử dụng một loại phân hữu cơ hợp pháp mua của doanh nghiệp khác sau đó pha trộn thêm các thành phần khác như đạm cá, KOH, Humate, Amino, các thành phần trung vi lượng (Zn, Mg, Bo, MN), các chất tăng trưởng (Nitro, Naa), các chất phụ gia (MKP, Octo, Para, Meta) để sản xuất ra một sản phẩm phân bón dạng lỏng gồm hợp chất hữu cơ và các chất khác.

Cá biệt có trường hợp đối tượng gom mua các loại phân bón trôi nổi trên thị trường với giá rẻ, xuất xứ từ Trung Quốc sau đó đưa về kho để thay đổi bao bì mới mang tên, thông tin của doanh nghiệp đối tượng sản xuất và bán ra thị trường.

Để bán sản phẩm ra thị trường tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, dễ dàng trà trộn với các loại phân bón hợp pháp khác, gây nhầm lẫn cho người dân, các đối tượng thực hiện việc đặt in bao bì sản phẩm với các nội dung thông tin trên bao bì không đúng thực tế, mẫu mã, màu sắc, hình ảnh gần giống với các sản phẩm thật đã được công bố, đăng ký có bán trên thị trường rồi bán ra với giá thấp hơn so với hàng thật.

Theo quy định về nhãn hàng hóa, nhãn phân bón thì các nội dung cần phải có trên bao bì gồm tên loại phân bón đã được cấp phép công nhận lưu hành, số quyết định công nhận lưu hành, thành phần chất lượng, nơi sản xuất, đơn vị nhập khẩu, đơn vị phân phối... để in bao bì, các đối tượng thường thu thập mẫu của một số bao bì phân bón từ mạng internet sau đó đặt in bao bì với các nội dung theo quy định cần phải có nhưng không đúng với thực tế.

Ví dụ như trường hợp sản xuất phân bón giả xảy ra tại Thôn 04, xã Cư Êbur, Tp. Buôn Ma Thuột, mặc dù sản xuất tại địa chỉ Thôn 04 xã Cư Êbur, Tp. Buôn Ma Thuột nhưng trên bao bì sản phẩm lại thể hiện phân bón được sản xuất tại Tp. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và tại quận Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ; đối tượng còn lấy mã số công nhận phân bón lưu hành số 1498/QĐ-BVTV-PB ngày 14/9/2018 được Cục Bảo vệ thực vật cấp cho Công ty Cổ phần Hữu cơ DAITO địa chỉ tại xã Tam Phước, Tp. Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai và Mã số phân bón 14618 được Cục Bảo vệ thực vật cấp cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Vận tải Nam Phương địa chỉ tại quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh để in lên bao bì sản phẩm của mình.

Viện kiểm sát kiến nghị giải pháp phòng ngừa

Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa vi phạm, tội phạm, khắc phục các sơ hở trong công tác quản lý trong thời gian tới, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, môi trường kinh doanh và hoạt động sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Lắk đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo một số nội dung sau:

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Luật Trồng trọt năm 2018; Nghị định 84/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính Phủ quy định về quản lý phân bón; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013 và các văn bản có liên quan. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm của UBND các cấp và các Sở, Ban, Ngành trong việc đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách của Đảng, quy định pháp luật Nhà nước trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tăng cường công tác quản lý chuyên ngành, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc sản xuất, buôn bán các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Chỉ đạo, yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc có thẩm quyền theo dõi chặt chẽ, thường xuyên xác minh, kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm, thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đối với các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh nhằm xử lý triệt để tình trạng vận chuyển, sản xuất, mua bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng trên thị trường, từ đó hạn chế thiệt hại cho nông dân.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tham mưu xây dựng tài liệu các nội dung tuyên truyền, phố biến kiến thức về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cách nhận biết các dấu hiệu, thông tin trên bao bì, nhãn hàng hóa của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để truy xuất nguồn gốc như số quyết định công nhận lưu hành, thành phần chỉ tiêu chất lượng chính, tên, địa chỉ sản xuất của doanh nghiệp…

Triển khai tuyên truyền, phổ biến kiến thức đến người nông dân thông qua đa dạng nhiều hình thức như phối hợp với Hội Nông dân, Hội Khuyến nông, Đoàn Thanh niên tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức cho bà con nông dân; Thông qua các cơ quan truyền thông, báo chí có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục, tin bài, phóng sự đăng tải rộng rãi trên các phương tiện điện tử, mạng internet, để giúp người dân tiếp cận, nâng cao nhận thức hiểu biết về quy định pháp luật trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vât, cảnh báo, nhận diện các phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trái phép, không đảm bảo chất lượng, chỉ ra các dấu hiệu nhận biết phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả để người dân phòng tránh, đồng thời khuyến khích người dân báo tin đến cơ quan chức năng khi phát hiện các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Có ý kiến với Bộ Công thương để chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong hoạt động cung cấp tài liệu, trả lời ý kiến chuyên môn, giám định tư pháp trong quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc hình sự liên quan đến hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Quốc Quân - Hồng Nhung - Hải Âu