Năm 2021, VKSND huyện Diễn Châu tiếp tục triển khai đầy đủ, đồng bộ và quyết liệt các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ khâu đột phá: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định pháp luật". Một trong những biện pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng nhiệm vụ đột phá này là tăng cường công tác kiểm sát, phát hiện vi phạm, ban hành kiến nghị.

Trong những tháng đầu năm 2021, VKSND huyện Diễn Châu đã ban hành 3 bản kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật đến cơ quan quản lý Nhà nước (UBND huyện), cụ thể:

Ngày 5/3, ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật số 104/KN-VKSDC đến Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu. Kiến nghị đã nêu ra những hạn chế, vi phạm trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương, vi phạm khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 93 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 trong việc cơ quan, tổ chức chậm cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án trong vụ án dân sự, hành chính; gây khó khăn cho công tác giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính.

Tiếp đó, ngày 30/3, VKSND huyện Diễn Châu ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật số 127/KN-VKSDC đến đồng chí Trưởng phòng Tư pháp UBND huyện Diễn Châu. Bản kiến nghị đã nêu ra những hạn chế, vi phạm của UBND huyện trong việc kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, chưa thực hiện đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Thông tư 19/2015/TT- BTP ngày 28/12/2015 về việc kiểm tra trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của phòng Tư pháp cấp huyện.

leftcenterrightdel
 VKSND huyện Diễn Châu ủng hộ quỹ phòng chống COVID-19 (ảnh VKSNA).

Mới đây nhất, ngày 1/7, đơn vị đã ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạp pháp luật số 286/KN-VKSDC đến Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu. Bản kiến nghị đã nêu rõ những hạn chế, vi phạm của UBND cấp xã trong việc thực hiện trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, vi phạm quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 1, 2 Điều 88, Nghị định số 43/2014/NĐ- CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ.

Các bản kiến nghị phòng ngừa vi phạm mà VKSND huyện Diễn Châu ban hành đều nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của các cơ quan, tổ chức hữu quan. Ngay sau khi nhận được các bản kiến nghị, UBND huyện Diễn Châu đã tiếp thu, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, phòng, ban ngành liên quan và UBND các xã (thị trấn) trên địa bàn huyện thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính năm 2015,  Luật Đất đai 2013 và các văn bản pháp luật liên quan nhằm nâng cao chất lượng trong công tác hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã; thực hiện đầy đủ, kịp thời việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho cơ quan tiến hành tố tụng khi có yêu cầu; Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương; Kiểm tra chặt chẽ tính pháp lý đối với các hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 và các văn bản hướng dẫn; Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân.

Thông qua việc tăng cường kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước; các cơ quan có liên quan đã khắc phục vi phạm, phối hợp chặt chẽ với Tòa án và Viện kiểm sát trong việc cung cấp tài liệu chứng cứ, tăng cường vai trò Nhà nước trong quản lý đất đai, nâng cao chất lượng hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa.... nhờ đó đã giúp nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại và các việc khác theo quy định của pháp luật; góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Kiến nghị phòng ngừa là quyền năng pháp lý được Nhà nước giao cho VKSND, theo đó để thực hiện quyền năng trên thì quá trình kiểm sát phải chú trọng phát hiện những vi phạm, yêu cầu cơ quan, tổ chức khắc phục vi phạm, bảo đảm tính nghiêm minh trong chấp hành pháp luật. Qua công tác kiểm sát, Kiểm sát viên phát hiện, tổng hợp những vi phạm trong hoạt động tư pháp, những thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước, từ đó làm cơ sở để tham mưu Viện trưởng VKSND ban hành kiến nghị phòng ngừa vi phạm pháp luật.
 
Mẫn Phong