Theo Bộ Y tế, việc xây dựng Luật Phòng bệnh nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập, hạn chế thời gian qua cũng như thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Việc xây dựng một đạo luật mới với phạm vi điều chỉnh gồm các quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng, chống bệnh không lây nhiễm; dinh dưỡng trong phòng bệnh; phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; quản lý sức khỏe người dân nhằm giải quyết các khoảng trống về pháp luật, các hoạt động liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe đồng thời thay thế Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm là hoàn toàn phù hợp, không gây chồng chéo trong hệ thống pháp luật và hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Mục đích chung của việc xây dựng Luật là nhằm góp phần nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. 

Mục đích cụ thể của việc xây dựng Luật đó là kiểm soát tốt bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỉ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm. Đồng thời, quản lý sức khỏe cho tất cả người dân.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ. (TTXVN)

Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, các chính sách về phòng bệnh cần phải đánh giá tác động bao gồm: Chính sách 1: Nâng cao năng lực phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Chính sách 2: Tăng cường công tác dinh dưỡng trong hoạt động phòng bệnh và nâng cao sức khỏe; Chính sách 3: Phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; Chính sách 4: Tăng cường công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm; Chính sách 5: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh tật và nâng cao sức khỏe (quản lý sức khỏe người dân); Chính sách 6: Thiết lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Về phạm vi điều chỉnh, dự kiến xây dựng theo hướng chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung trên cơ sở các quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm và bổ sung các quy định về kiểm soát các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe, do đó phạm vi điều chỉnh của Luật này bao gồm: Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng, chống bệnh không lây nhiễm; dinh dưỡng trong phòng bệnh; phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; quản lý sức khỏe người dân.

Ngoài ra bổ sung quy định liên quan đến việc thiết lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng nhằm huy động, bổ sung nguồn lực bảo đảm cho việc triển khai các hoạt động phòng bệnh.

Đối với Chính sách 1, mục tiêu của chính sách là giải quyết những vấn đề bất cập trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện nay qua đó nâng cao năng lực trong việc chủ động phòng, chống dịch thông qua việc bảo đảm tính dự phòng toàn diện; phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền trong việc xác định, công bố dịch để huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; xác định rõ cơ chế phù hợp về công bố hết dịch để bảo đảm tính kịp thời cho công tác phòng, chống dịch, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội; tạo cơ chế linh hoạt cho việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, qua đó góp phần đảm bảo tính chủ động, kịp thời trong công tác chỉ đạo, phòng, chống dịch; đảm bảo nguồn ngân sách nhà nước để triển khai toàn diện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình huống khẩn cấp, đặc biệt là các dịch bệnh mới nổi.

Nội dung của chính sách là sửa đổi các quy định bất cập, bổ sung các quy định mới về phòng chống bệnh truyền nhiễm cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển bao gồm: (1) bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng nguy cơ có dịch; (2) thẩm quyền trong việc xác định và công bố dịch của chính quyền các cấp; (3) thẩm quyền, điều kiện công bố hết dịch và thẩm quyền xác định điều kiện công bố hết dịch; (4) mục tiêu của việc thành lập Ban chỉ đạo chống dịch; (5) cơ chế chi trả đối với người mắc bệnh dịch nhóm A.

P.V