Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp hạng Việt Nam nằm trong tốp 2 của bản đồ ung thư thế giới và đang phải đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng.

Tại hội thảo phòng, chống ung thư diễn ra sáng 6-10 tại BV K Hà Nội, GS-BS Nguyễn Chấn Hùng (Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam) cho biết hầu hết bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn. Qua nghiên cứu, gần 52.000 bệnh nhân ung thư đến khám và điều trị tại năm bệnh viện: K, Ung bướu Hà Nội, Bạch Mai, Việt Tiệp Hải Phòng, Trung ương Huế cho thấy có tới hơn 71% số ca đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn.

Trong khi đó, WHO đang xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc tốp 2 của bản đồ ung thư thế giới (50 nước cao nhất thuộc tốp 1). Cụ thể, Việt Nam đang xếp ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát với tỉ lệ tử vong 110/100.000 người, ngang với tỉ lệ tại Phần Lan, Somalia, Turkmenistan.

Ngồi một chỗ + Thức ăn nhanh = Ung thư

GS Nguyễn Chấn Hùng đã đưa ra mẫu công thức dễ mắc bệnh ung thư trong thời đại phát triển hiện nay. Theo đó, những người ít vận động; hay ăn đồ ăn nhanh, ăn đồ chiên nhiều dầu, mỡ, thiếu chất xơ sẽ dễ bị ung thư hơn những người có chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể thao phù hợp.

GS Hùng cho biết mỗi năm Việt Nam phát hiện mới khoảng 160.000 người mắc bệnh ung thư và khoảng 115.000 người tử vong vì căn bệnh này. Các tỉnh, TP có số người mắc ung thư nhiều nhất là Hà Nội, TP.HCM, Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ.

Các bệnh ung thư mà nam giới Việt Nam mắc nhiều nhất là ung thư phổi, dạ dày, gan và đại trực tràng với tổng số gần 42.000 ca mắc, chiếm hơn một nửa số bệnh nhân nam mắc 15 loại ung thư mỗi năm. Các bệnh ung thư mà nữ giới nước ta mắc nhiều nhất là ung thư vú, phổi, đại trực tràng và cổ tử cung với tổng số hơn 30.000 ca mắc, chiếm hơn một nửa số bệnh nhân nữ mắc 13 loại ung thư mỗi năm.
 

 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM luôn bị quá tải. Ảnh: HTD
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM luôn bị quá tải. Ảnh: HTD


Chữa khỏi nếu phát hiện sớm

Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, tình trạng quá tải tại các bệnh viện chuyên ngành ung thư đã hạn chế người dân trong việc phát hiện sớm căn bệnh này.

PGS-TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K, cho biết phần lớn ung thư đều có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Tuy nhiên, với ung thư phổi, phòng bệnh phải là số một vì có phát hiện sớm cũng điều trị kém hiệu quả hơn so với các loại ung thư khác.

PGS Trần Văn Thuấn chia sẻ lo lắng đối với ung thư phổi ở nam giới, Việt Nam đứng tốp đầu về số ca mắc do tỉ lệ hút thuốc lá rất cao (trong khi ở Mỹ đứng hàng thứ 10).

PGS Trần Văn Thuấn cho biết tỉ lệ mắc ung thư đang có xu hướng tăng ở Việt Nam thì ung thư cổ tử cung có xu hướng giảm dần do được phát hiện sớm, tầm soát tốt và tỉ lệ tiêm vaccine ngừa ung thư ngày càng tăng đáng kể.

Nhận định về năng lực điều trị ung thư tại Việt Nam, GS Nguyễn Chấn Hùng tự hào khẳng định: “Việt Nam có đội ngũ bác sĩ với trình độ phẫu thuật, xạ trị ung thư cao. Thêm vào đó, cơ sở điều trị, thiết bị, máy móc và thuốc men hiện đại đã nâng cao năng lực điều trị ung thư tại Việt Nam”.

 

Các nghiên cứu về tài chính trong điều trị ung thư tại Việt Nam gần đây cho thấy những gia đình có người bị ung thư phải gánh chịu hệ lụy tài chính nặng nề từ việc điều trị ung thư.

Trung bình một bệnh nhân ung thư phải bỏ tiền túi ra gần 85 triệu đồng để điều trị. Chỉ tính riêng chi phí chữa sáu loại bệnh ung thư: vú, cổ tử cung, gan, đại tràng, khoang miệng và dạ dày đã lên đến gần 26.000 tỉ đồng, chiếm 0,22% GDP cả nước. Đây là số liệu từ năm 2010, còn trên thực tế những con số vừa nêu đã tăng sau hơn năm năm thống kê.

Có khoảng 1/3 người bệnh ung thư ở nước ta không đủ tiền mua thuốc điều trị sau 12 tháng phát hiện bệnh; 22% không thể thanh toán chi phí đi lại; 24,37% gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt (không đủ khả năng chi trả chi phí thường xuyên trong gia đình như tiền điện, nước; tiền gas...) phải vay mượn. Thậm chí gần 9% gia đình khánh kiệt về kinh tế, phải bán đất đai, chuyển nhà để chữa ung thư.

 

Theo Pháp luật TPHCM

.