Phát biểu tại Hội thảo đồng chí Đại tá Tiến sĩ Quách Hữu Trung - Giám đốc Bệnh viện 199 cho biết, công nghệ tế bào gốc hiện nay đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các bác sĩ và cả các nhà đầu tư. Tế bào gốc là tế bào có khả năng tự đổi mới, tăng sinh và phát triển biệt hóa thành các loại tế bào chuyên biệt để thực hiện chức năng trong một mô cụ thể.  Việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị có thể giúp tăng cơ hội điều trị nhiều bệnh lý nguy hiểm như bệnh Alzheimer, tim mạch, xương khớp hay thậm chí là bệnh ung thư cho bản thân người được lưu trữ tế bào hoặc người thân trong gia đình, người cùng huyết thống. Đồng thời, tế bào gốc được ứng dụng trong ngành thẩm mỹ với công dụng tuyệt vời trong chống lão hóa, cải thiện nếp nhăn, trẻ hóa làn da,...  

leftcenterrightdel

Bệnh nhân ung thư được điều trị hóa chất liều cao kèm ghép tế bào gốc tự thân thành công đầu tiên ở miền Trung. (Ảnh: XN)

Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ung bướu và tế bào gốc và là người thứ hai tại Việt Nam cấy ghép thành công tế bào gốc từ năm 2003, PGS.TS. bác sĩ Nguyễn Trung Chính (nguyên Giám đốc Trung tâm tế bào gốc Bệnh viện Trung ương quân đội 108) đã mang đến cho hội thảo một cái nhìn bao quát về ứng dụng của tế bào gốc. 

Nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc ở nước ta được bắt đầu từ năm 1995 và đặc biệt được chú ý sau khi Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được ban hành đã tạo nền tảng cho sự phát triển của công nghệ sinh học, trong đó có phát triển ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh ở người.

Sau khi Chỉ thị số 50-CT/TW được ban hành, lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc đã được giới khoa học và các nhà quản lý, các nhà đầu tư trong nước chú ý với hàng loạt đề xuất nghiên cứu được đưa ra và được chọn triển khai ở các cấp khác nhau. Hiện nay, ứng dụng tế bào gốc trong trị liệu là xu hướng phát triển chung của nền y học thế giới, mang đến cho bệnh nhân cơ hội khỏi bệnh cao và sức khỏe sớm ổn định.

Tế bào gốc là là một loại tế bào đặc biệt có tính tự làm mới và tính tiềm năng không giới hạn nên được ứng dụng trong điều trị ung thư  bằng ghép tủy  xương hay cấy ghép tế bào gốc tạo máu (HSC) và ứng dụng trong y học tái tạo nhằm sửa chữa, hồi phục các mô bị tổn thương với 2 công nghệ gồm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) và liệu pháp tế bào gốc. 

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham gia trao đổi ý kiến tại hội thảo. (Ảnh: LT)

Cụ thể, cấy ghép tế bào gốc tạo máu (HSC) giúp cứu sống hàng ngàn người bị ung thư  máu, các bệnh liên quan đến khối u rắn, rối loạn huyết học lành tính… Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) được ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh xương khớp, chấn thương thể thao, thẩm mỹ, nha khoa… Công nghệ tế bào trung mô (MSC) giúp điều trị bệnh về thoái hóa xương khớp, chấn thương chỉnh hình, bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận,... 

Tại hội thảo, ông William Hockstedler - Phó Chủ tịch, Phát triển chiến lược - Công ty Mayo Clinic Ambient Clinical Analytics, Rochester đã có bài phát biểu về “Sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực liệu pháp trẻ hóa, điều trị bằng tế bào gốc”. Qua đó, ông chia sẻ các nghiên cứu về tế bào gốc, đặc biệt tập trung đến tế bào Exosome là các túi ngoại bào, được tiết ra từ các loại tế bào sống trong cơ và được lưu hành trong các dịch cơ thể như máu, nước tiểu, nước bọt...  được ứng dụng trong  y học tái tạo.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham gia trao đổi ý kiến tại hội thảo. (Ảnh: LT)

Trong phần thảo luận, các đại biểu và khách mời tham dự đánh giá cao đối với nội dung chia sẻ của các diễn giả. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã trao đổi, đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh nội dung về hiệu quả phương pháp PRP trong điều trị khớp gối, các quy định, chính sách của nước ta đối với hoạt động nghiên cứu tế bào gốc,… 

Với tiềm năng của tế bào gốc cùng với các tiến bộ về công nghệ đã và đang dần khẳng định được vai trò quan trọng của tế bào gốc trong y học tái tạo và điều trị bệnh mãn tính, mở ra kỷ nguyên mới trong y học nói chung.

 

L.T