Nhiều trường hợp thương tâm bị chó cắn đến chết hoặc bị chó dại cắn sau đó tử vong, vậy làm gì để tránh rơi vào cảnh thương tâm trên?
 


Đừng bao giờ tiếp cận một con chó lạ, đặc biệt khi nó bị xích hoặc nhốt sau hàng rào, trong xe hơi. Đừng vuốt ve con chó – kể cả chó của mình – mà không cho nó nhìn thấy và ngửi bạn trước. Đừng quấy rối khi nó đang ngủ, ăn, gặm đồ chơi hoặc đang chăm sóc con.

Đừng bao giờ quay lưng lại trước mặt con chó và bỏ chạy. Bản năng của chó là săn đuổi nên nếu bạn chạy nó sẽ cố đuổi bắt bạn.

Khi bị  chó tấn công: Đừng bao giờ hét lên và bỏ chạy. Bạn hãy đứng im, 2 tay ở 2 bên, tránh nhìn thẳng vào mắt chó.

Một khi con chó đã mất hứng thú với mình, hãy từ từ đi lui cho đến khi nó không còn nhìn thấy mình.

Nếu thấy chó vẫn hung năng không chịu buông tha thì cúi xuống nhặt đá, dép hoặc tháo giầy để phòng bị. Động tác này có thể khiến con chó sợ mà bỏ chạy.

Nếu con chó nhảy xổ vào mình, hãy ném đá, dép, áo khoác, ví, xe đạp, hoặc bất cứ thứ gì bạn có thể.

Nếu bạn bị ngã xuống đất, hãy cuộn tròn người lại, dùng hay tay che tai và nằm im, cố gắng không hét hoặc lăn lộn.

BS Nguyễn Đình Sang (Chuyên khoa Bác sĩ gia đình, Trung tâm y tế quận 1, TP.HCM) cho rằng: Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm do siêu vi trùng gây ra. Nó thường được lây sang người qua vết cắn, nhiều nhất là do chó và mèo cắn (chiếm 90%). Ngoài ra nó còn lây qua người qua vết cắn của chồn, dơi, gấu, cầy, sóc, chó rừng.

Hiếm hơn, bệnh dại còn được lây qua đường hô hấp do không khí chứa nhiều siêu vi trùng dại trong các hang động có nhiều dơi sinh sống.

Khi bị chó hoặc súc vật cắn, cần phải xử trí vết thương theo trình tự như sau:

Rửa sạch vết cắn nhiều lần với xà bông đặc hoặc các chất tẩy giặt khác, rửa vết thương dưới vòi nước mạnh ít nhất 5 phút, lấy bỏ hết dị vật và mô dập nát.

Sát trùng vết thương bằng dung dịch cồn 70% hoặc dung dịch iode. Không khâu kín da hoặc băng quá kín. Dùng kháng sinh phòng ngừa nhiễm trùng vết cắn.

Đề phòng uốn ván bằng huyết thanh kháng độc tố (SAT) và vaccin (Tetavax).

Nếu nạn nhân bị chó cắn (không biết là chó dại hay không), nên chủng ngừa sớm trong vòng 2 ngày thì hiệu quả phòng bệnh rất cao, chủng ngừa chậm thì hiệu quả sẽ giảm nhưng vẫn còn hiệu quả, do đó có chủng vẫn còn hơn.

Đối với con chó cắn người, nếu còn sống nên nhốt nó trong 10 ngày và theo dõi, nếu chó vẫn còn khoẻ mạnh thì có thể ngưng các biện pháp điều trị. Nếu chó bị đập chết, nên cắt đầu chó để xét nghiệm xác định bệnh dại.
 

Theo VTC News