Mục đích ban hành Thông tư nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở khám chữa bệnh phát triển và cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu theo đúng định hướng xã hội hóa công tác y tế; hướng dẫn cơ sở khám, chữa bệnh xây dựng bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đúng quy định của pháp luật.

Việc ban hành Thông tư cũng nhằm khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh, phát huy cơ sở vật chất và đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao; góp phần cải thiện thu nhập để cán bộ nhân viên y tế yên tâm phục vụ lâu dài.

Đồng thời, góp phần đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của nhân dân khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập; hạn chế người có khả năng kinh tế phải ra nước ngoài khám chữa bệnh và thu hút người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài khám chữa bệnh tại Việt Nam; tạo điều kiện phát triển các gói BHYT bổ sung.

Về phạm vi điều chỉnh, Thông tư quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước cung cấp theo phương pháp xây dựng giá quy định tại Thông tư 25/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính; quy định thẩm quyền phê duyệt giá cụ thể đối với dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu của các cơ sở y tế trên cở sở chất lượng dịch vụ và điều kiện kinh tế xã hội tại địa phương.

Khung giá dịch vụ ban hành tại Thông tư bao gồm mức giá tối đa và tối thiểu, theo đó mức giá cụ thể dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu được phê duyệt không được thấp hơn hoặc cao hơn khung giá quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Theo khung giá mới, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tối đa là 500.000 đồng/lượt; giá giường bệnh theo yêu cầu tối đa là 4.000.000 đồng/ngày.

leftcenterrightdel
 Khung giá ngày giường điều trị theo yêu cầu chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế.

Cũng theo Thông tư này, có 1.937 loại dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm theo yêu cầu được quy định mức giá tối đa và tối thiểu. Trong đó, dịch vụ có giá cao nhất là phẫu thuật nội soi robot điều trị các bệnh lý lồng ngực, giá tối đa là hơn 134 triệu đồng; tối thiểu là hơn 91 triệu. 

Việc ban hành Thông tư phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước; khuyến khích các đơn vị chủ động, tích cực triển khai và đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng. Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ được tái đầu tư để tiếp tục đầu tư, phát triển kỹ thuật; tạo điều kiện để huy động ngân sách nhà nước đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn không thu hút được nguồn lực đầu tư, hỗ trợ thực hiện các chính sách về y tế cơ sở.

Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8 tới đây.

P.V