leftcenterrightdel
Chốt kiểm dịch động vật xã Hồng Tiến, Phổ Yên, Thái Nguyên 

Tình hình dịch tả lợn Châu Phi hiện nay xảy ra nghiêm trọng và có chiều hướng lan rộng. Đến nay, đã có 13 tỉnh, thành phố xảy ra dịch. Công tác chống dịch đang được các bộ, ngành khẩn trương thực hiện. Hàng loạt các chốt kiểm dịch tại nhiều địa phương được lập ra nhằm ngăn ngừa sự lây lan. Phản ánh công tác phòng chống, PV báo Bảo vệ pháp luật đã có mặt tại chốt kiểm dịch xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên để ghi nhận công tác này.

leftcenterrightdel
PV báo BVPL tại chốt kiểm dịch 

Tại xã Hồng Tiến, chốt kiểm dịch tả lợn Châu Phi được đặt ngay ở đường vào của xã. Gác chắn barie được lập lên chắc chắn, vững chãi, đi kèm với nó là bình xịt khử trùng, khử độc luôn được sẵn sàng trong mọi tình huống khi có người dân chuyên chở lợn đi qua để kịp thời phun khử.

Quang cảnh PV ghi nhận được là vôi bột được rải dọc đường vào xã trắng xóa, giường chiếu được kê gọn gàng đảm bảo cho ca, kíp túc trực được 24/24. Trên bảng dán là lịch trực và ghi nhận những trường hợp bị phát hiện chuyên chở lợn vượt qua tuyến đường này vào xã.

Ông Dương Văn Lụa, công an viên chốt giữ điểm chốt dịch này cho biết: Riêng xã Hồng Tiến đã lập ra 6 chốt canh giữ sự vận chuyển lợn qua xã này. Chốt này đã được lập cách đây 4 ngày và đã phát hiện được 5-6 trường hợp vận chuyển lợn vào địa bàn. Tuy nhiên, khi qua các chốt chúng tôi đều phun thuốc sát trùng, khử độc và yêu cầu người vận chuyển phải quay trở lại không cho vào địa bàn xã. “Quan điểm của chúng tôi là nội bất xuất, ngoại bất nhập” – ông Lụa khẳng định.

Khi hỏi về chế độ túc trực 24/24 giờ để ngăn chặn dịch tả lợn Châu Phi lây lan vào xã mình ông Lụa cho biết một ngày ông được 100 nghìn tiền thù lao, ngày nghỉ được 200 nghìn. Và mỗi ca trực thường có 4 người bao gồm công an viên, thành viên của xóm, một thú y và cán bộ quản lý thị trường. Tuy nhiên, theo ông Lụa việc chế độ không quan trọng, nhưng vì sự an toàn cho người dân ông sẵn sàng làm không công.

leftcenterrightdel
Lán dã chiến cho cán bộ thực hiện công tác kiểm dịch 24/24 

Được biết, tỉnh Thái Nguyên đã công bố là địa phương đã có dịch tả lợn Châu Phi. Theo báo cáo, thì dịch đã xảy ra trên địa bàn huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Dịch được phát hiện khi 2 hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Úc Kỳ và xã Kha Sơn khi tình trạng đàn heo hai hộ này có biểu hiện sốt cao, bỏ ăn rồi chết. Chi cục chăn nuôi và thú y, UBND huyện Phú Bình đã kiểm tra và thống kê được hộ ông Nguyễn Văn T (xóm Giữa, xã Úc Kỳ) có 52 con và hộ ông Nguyễn Tiến Đ (xóm Mai Sơn, xã Kha Sơn) có 20 con mắc bệnh.

Các đơn vị liên quan đã tiến hành tiêu hủy hai đàn lợn nêu trên và tiến hành khử trùng, tiêu độc và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch một cách triệt để, đồng thời công bố dịch trên địa bàn toàn huyện Phú Bình.

Do ở cạnh huyện có dịch nên công tác phòng chống đã được tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo và phòng chống dịch ở toàn tỉnh kể cả những vùng chưa có dịch. Những chốt chống dịch đã được lập dã chiến và túc trực 24/24 với phương châm không cho lợn ở những nơi khác vào vùng sạch bệnh. 

Trong một diễn biến khác, như báo Bảo vệ pháp luật đưa tin trưa và đầu giờ chiều nay, trong khoảng thời gian gần 30 phút, PV gọi gần chục cuộc điện thoại và chờ báo hết chuông vào số điện thoại 0243.800.115, số đường dây nóng trực 24/24 giờ tiếp nhận xử lý các thông tin, báo cáo về tình hình dịch tả lợn châu Phi trong chăn nuôi của Hà Nội, nhưng chỉ nhận được thông báo “Số máy quý khách vừa gọi hiện không có”. Phóng viên có vào website: http://sonnptnt.hanoi.gov.vn, được cho là trang web của Sở Nông nghiệp. Đồng thời, phóng viên tìm hiểu danh bạ của Chi cục Chăn nuôi và Thú Y Hà Nội,  có thông tin điện thoại thường trực: 04 33 800115, tuy nhiên mã vùng điện thoại đã thay đổi. Phóng viên tiếp tục gọi vào số 02433800115 (thay đổi mã vũng điện thoại mới nhất) thấy có tín hiệu chuông báo chờ. Trong khoảng thời gian từ 10h40 đến 11h trưa ngày 12/3, phóng viên đã cố gắng liên lạc vào số máy 02433800115, tuy nhiên chỉ thấy những hồi chuông báo chờ, và thông điệp “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được”.



Lê Sử