Hôm qua (ngày 11/3/2019), Bộ GD-ĐT có Công văn số 941 gửi Sở GD-ĐT Hòa Bình về việc xử lý kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia theo kết quả xác minh của cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.

Theo đó thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành điều tra xác minh để lập hồ sơ vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ" liên quan đến sai phạm tại Hội đồng thi Trung học phổ thông quốc gia tỉnh Hòa Bình.

leftcenterrightdel
 Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT

Theo đề nghị của Cơ quan An ninh điều tra, Bộ GD-ĐT đã thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định bài thi các thí sinh có liên quan tại hồ sơ xác minh của Cơ quan An ninh điều tra làm căn cứ cho việc kết luận điều tra vụ án;

Đồng thời làm căn cứ xử lý rất sai phạm về điểm thi theo quy định của quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông hiện hành.

Kết quả chấm thẩm định bài thi của Bộ GD-ĐT là kết quả chính thức của kỳ thi. Kết quả này thay thế kết quả do Hội đồng thi đã công bố trước đây để xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và xét tuyển đại học cao đẳng cho các tuyển sinh liên quan.

Liên quan đến "số phận" thí sinh được nâng điểm, theo công văn này, Bộ GD-ĐT sẽ lấy kết quả theo chấm thẩm định, điều đó sẽ phủ nhận toàn bộ kết quả của 56 thí sinh được nâng điểm trước đó ở Hòa Bình.

leftcenterrightdel
Báo cáo kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 cao chót vót của tỉnh Hòa Bình. 

Hôm nay trả lời báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định: “Nếu trước kia thí sinh đạt 27 điểm nhưng sau khi có kết luận điều tra, kết quả chấm thẩm định thí sinh chỉ được 15 điểm thì kết quả cuối cùng là kết quả chấm thẩm định”, PGS.TS Mai Văn Trinh khẳng định.

Đến thời điểm này, dư luận đang nóng lòng chờ kết quả điều tra tại tỉnh Hà Giang và Sơn La, hai địa phương tuy phát hiện gian lận điểm thi trước cả Hòa Bình nhưng đến nay vẫn chưa công bố kết luận điều tra. Điều đó cũng có nghĩa nhiều thí sinh và người nhà được nâng điểm cũng như "ngồi trên đống lửa"!?.

 

DIỄN BIẾN VỤ GIAN LẬN THI THPT QUỐC GIA NĂM 2018

* Tại Hà Giang: "Phát súng" đầu tiên rúng động dư luân

Ngày 11/7/2018 kết quả điểm thi THPT quốc gia năm 2018 chính thức được công bố và phát hiện dấu hiệu bất thường ở Hà Giang. Ngay sau đó ngày 12/7, Bộ GD-ĐT ra Công văn hỏa tốc yêu cầu tỉnh Hà Giang rà soát toàn bộ quy trình thi cử và báo cáo bằng văn bản về Ban Chỉ đạo thi quốc gia.

Ngày 13/7/2018, kết quả xác minh cho thấy có dấu hiệu nâng kết quả điểm thi của thí sinh ở bài thi trắc nghiệm. Ngày 15/7, Bộ GD-ĐT đã thành lập Hội đồng chấm thẩm định bài thi tại Hà Giang. Tại cuộc họp báo sau đó 2 ngày công bố kết quả chấm thẩm định cho thấy xảy ra sai phạm hơn 330 bài thi của 114 thí sinh. Công an tỉnh Hà Giang ra quyết định khởi tố hình sự vụ án và khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (KT&QLCL)vì hành vi nâng điểm cho hơn 330 bài thi của 114 thí sinh. Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng KT&QLCL, Sở GD-ĐT Hà Giang.

leftcenterrightdel
Thống kê số lượng điểm 9 trở lên ở các môn Toán, Vật lý, tiếng Anh của tỉnh Sơn La so với cả nước. Ảnh zing.vn 

* Tại Sơn La: 5 cán bộ Sở GD-ĐT và 1 trung tá Công an bị khởi tố

Trong khi Hà Giang đang gây rúng động dư luận, cũng thời gian này, các cơ quan chức năng phát hiện dấu hiệu gian lận thi cử ở Sơn La và bắt đầu vào cuộc xác minh, làm rõ. Ngày 23/7/2018, sau khi công bố kết luận về những sai phạm trong thi THPT quốc gia ở Sơn La, Công an đã khởi tố bị can Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La; Nguyễn Thị Hồng Nga - Chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La; Đặng Hữu Thủy- Hiệu Phó trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La; Cầm Thị Bun Sọn- Phó phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT; Lò Văn Huynh- Trưởng phòng khảo thí - quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Sơn La về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 BLHS.

Cơ quan An ninh điều tra cũng ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 3 bị can: Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Lò Văn Huynh. Ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với: Trần Xuân Yến, Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh. Ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với: Trần Xuân Yến, Cầm Thị Bun Sọn. Chiều 15/2/2019, Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục ra Quyết định khởi tố bị can đối với Trung tá Đỗ Khắc Hưng nguyên cán bộ Công an tỉnh Sơn La để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.

* Hòa Bình: Phát hiện 56 thí sinh được nâng điểm

Sau khi Hà Giang, Sơn La bị phanh phui về gian lận, nhiều địa phương cũng dính nghi vấn, đáng chú ý là chủ yếu tại các tỉnh miền núi, “vùng trũng” về giáo dục trên cả nước hoặc có số thí sinh là lính nghĩa vụ Công an dự thi, như: Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên... và đặc biệt là tỉnh Hòa Bình. Sau khi củng cố tài liệu, sáng 3/8/2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ luật hình sự.

Chiều cùng ngày Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đỗ Mạnh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy; Nguyễn Khắc Tuấn, chuyên viên Phòng Khảo thí Sở GD-ĐT Hòa Bình về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự. Điều tra mở rộng vụ án, ngày 14/9/2018, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với: Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng KT&QLCL, Sở GD-ĐT Hòa Bình về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngày 28/2/2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có kết luận điều tra vụ án hình sự đề nghị truy tố đối với Đỗ Mạnh Tuấn, Nguyễn Khắc Tuấn và Nguyễn Quang Vinh về vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.


Đại Việt - Huyền Phương