Những ngày cuối tháng 7/2020, Đà Nẵng trở thành tâm điểm của cả nước, bởi đây là nơi phát hiện bệnh nhân dương tính COVID-19 cộng đồng đầu tiên trong đợt dịch thứ 2.

Thời điểm đó, ngày 29/7, Trung tâm y tế huyện Hòa Vang chính thức được chọn làm bệnh viện dã chiến.

Đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện và các chuyên gia y tế đến từ các bệnh viện Trung ương gấp rút triển khai đưa Bệnh viện dã chiến Hòa Vang vào hoạt động nhằm tiếp nhận điều trị những bệnh nhân COVID -19 nặng. Chỉ trong 5 ngày, Khoa Hồi sức tích cực và khoa Thận đã đưa vào hoạt động tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang với các kỹ thuật chỉ thực hiện tại bệnh viện Hạng I.

“Trung tâm y tế huyện Hòa Vang với vai trò là một bệnh viện tuyến huyện, không điều trị bệnh nặng và chưa bao giờ điều trị bệnh COVID-19, là một điều dưỡng trưởng, tôi không thể không lo lắng. Tuy nhiên, lúc đó, tôi cũng như đồng nghiệp gác lại mọi suy nghĩ chỉ nghĩ làm cách nào để cùng lãnh đạo bệnh viện, các đồng nghiệp sớm đưa bệnh viện vào hoạt động, góp phần vào công tác phòng chống dịch.” – Nữ điều dưỡng Đặng Thị Công chia sẻ.

Hằng ngày công việc của chị Công thường bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào lúc 6h chiều nhưng có thời điểm bệnh nhân đông lên gần 200 người, nhiều hôm 9-10h đêm mới được nghỉ. Bệnh nhân COVID-19 đều không có người nhà chăm sóc, vì vậy công việc chăm sóc, ăn uống, vệ sinh… cho bệnh nhân đều do nhân viên y tế lo hết.

leftcenterrightdel
 Với những cống hiến của mình, nhiều năm liền chị Công được công nhận là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, chiến sỹ thi đua cấp thành phố năm 2019 và được vinh danh Tỏa sáng Bluose trắng tại Lễ kỷ niệm 66 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2/2021 do thành phố Đà Nẵng trao tặng.  (ảnh: LT)

Chị Công cũng như các điều dưỡng ở đây đã làm việc bằng cả tình yêu thương đối với bệnh nhân, coi bệnh nhân như người nhà mới có thể hoàn thành được công việc của mình.

“Được chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân là niềm hạnh phúc của mình. Bệnh nhân vừa lo lắng về bệnh tình lại không có người bên cạnh động viên an ủi, họ không nói ra nhưng mình biết họ sẽ buồn. Vì vậy, đối với đội ngũ y, bác sĩ ở đây, bệnh nhân chính là người thân. Chúng tôi chăm sóc người bệnh bằng tất cả tình thương thì bệnh nhân sẽ sớm bình phục hơn.”- Chị Công cười chia sẻ.

Nhằm an toàn cho người bệnh, điều dưỡng Đặng Thị Công đã tham mưu thành lập “Tổ vận chuyển người bệnh” tại Bệnh viện để hỗ trợ vận chuyển người bệnh đi đến các khoa phòng, nhất là mổ cấp cứu. Cùng với đó, chị còn thực hiện tốt công tác hậu cần cho tất cả bệnh nhân đang nằm viện điều trị, nhất là các bệnh nhân nặng, người nhiều bệnh lý nền cũng đều hỗ trợ đầy đủ, chu đáo. Khi bệnh nhân khỏi bệnh có chỉ định xuất viện, chị đã trực tiếp đến tận giường bệnh đưa bệnh nhân ra khu vực tiền sảnh làm lễ ra viện và cùng với những chuyến xe thiện nguyện đưa bệnh nhân về nhà an toàn.

Hai tháng bước vào cuộc chiến với dịch bệnh cũng là ngần ấy thời gian chị Công cũng như đồng nghiệp xa gia đình. Bận bịu không có thời gian để gọi về nhà, nhiều lúc chồng con gọi đến chị cũng không có thời gian để nghe.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, ai cũng có những góc khuất thầm kín trong câu chuyện về gia đình, chồng con nhưng khi ra "chiến trận", bên cạnh những bệnh nhân COVID-19, họ lao vào công việc quên đi tất cả với đích đến chờ ngày hết dịch.

“Ngày bệnh nhân COVID-19 cuối cùng của bệnh viện xuất viện, kết thúc đợt dịch lần thứ 2 của Đà Nẵng chắc là  cảm xúc khó quên trong cuộc đời tôi.  Tôi đã òa khóc. Khóc vì sung sướng, hạnh phúc, không chỉ sắp được về nhà mà bởi những nỗ lực của chúng tôi đã đền đáp.”

Ngoài hoạt động chăm sóc bệnh nhân, chị Công còn có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tiễn, góp phần chăm sóc và bảo vệ người bệnh ngay tại bệnh viện, nhất là sáng kiến “Áp dụng thiết kế màn chắn phòng chống lây nhiễm chéo để vận chuyển người bệnh nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang”.

leftcenterrightdel
 Chị Công cũng như các điều dưỡng ở đây đã làm việc bằng cả tình yêu thương đối với bệnh nhân, coi bệnh nhân như người nhà mới có thể hoàn thành được công việc của mình. (ảnh: NV cung cấp).

Cùng với đó, chị còn dành nhiều tâm huyết với công tác thiện nguyện đối với tất cả bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đến điều trị tại Bệnh viện, khiến người bệnh và người nhà bệnh nhân rất cảm kích.

"Trong thời gian nằm viện ở Bệnh viện đa khoa Hòa Vang, bệnh viện Dã chiến Hòa Vang thì được điều trị, sự chăm sóc của các y bác sỹ cũng như các điều dưỡng của Hòa Vang này rất là tội, họ chăm lo từng xíu đối với những bệnh nhân cũng như người nhà và tôi rất an tâm nằm ở đây. Còn Đặng Thị Công, điều dưỡng trưởng ở Bệnh viện Hòa Vang thì trách nhiệm rất là cao, chăm sóc rất chu đáo cho những người đến đây nên họ rất yên lòng và yên tâm.” - bệnh nhân Trần Thanh Phương (xã Hòa Phú huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Bác sĩ CKII Nguyễn Đại Vĩnh - Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng: “Phải nói rằng nghề Y là một nghề rất đặc biệt, riêng với nghề điều dưỡng thì lại vô cùng đặc biệt, thì điều dưỡng cũng giống như một người mẹ, người chị và người em đối với bệnh nhân. Với điều dưỡng Đặng Thị Công đã phát huy tối đa tinh thần đó, đã áp dụng mạnh mẽ vào công tác của mình…”

Với những cống hiến của mình, nhiều năm liền chị Công được công nhận là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, chiến sỹ thi đua cấp thành phố năm 2019 và được vinh danh Tỏa sáng Bluose trắng tại Lễ kỷ niệm 66 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2/2021 do thành phố Đà Nẵng trao tặng. 

Lê Tâm