Được biết, anh T.V.N (SN 1986) sau khi ăn bún giò có triệu chứng mắc nghẹn cổ họng, đau họng tuy nhiên lại chủ quan và không đến bác sĩ khám, kiểm tra.

Đến ngày 14/6, nhận thấy tình trạng không thuyên giảm lại có phần đau nhức nhiều hơn, anh đã đến Bệnh viện 199 để được cấp cứu, chẩn đoán dị vật trong thực quản và ngay lập tức được chỉ định nội soi can thiệp, gắp dị vật ra khỏi thực quản.

Bằng phương pháp nội soi mềm đi qua đường miệng vào thực quản, bác sĩ đã gắp được dị vật là một mảnh xương heo có kích thước 2,5 cm x 1,5 cm nằm ngang lòng thực quản. Sau khi lấy dị vật soi kiểm tra lại không chảy máu, bệnh nhân đã được cho xuất viện vào cùng ngày.

leftcenterrightdel
 Cấp cứu kịp thời bệnh nhân hóc xương thực quản do ăn bún giò bằng phương pháp nội soi mềm. (ảnh: BV cung cấp)

Về trường hợp mắc dị vật trong lúc ăn, người dân thường có thói quen tự xử lí: nuốt cơm, nuốt bánh mỳ, ngậm C sủi, dùng tay móc dị vật… Những phương pháp này gần như không có tác dụng, thậm chí còn gây hại vì có thể làm dị vật mắc kẹt sâu hơn và làm tổn thương thực quản.

Thạc sĩ – Bác sĩ Hoàng Phương Thủy – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện 199 chia sẻ: “Người dân không nên tự ý xử lí tình trạng mắc dị vật trong lúc ăn khi chưa biết vị trí và kích thước hình dáng của dị vật. Đối với trường hợp này, cần phải đến khám, đánh giá kĩ để phương thức xử lí kịp thời”.

 

Lê Tâm