Theo TS.Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới, ung thư vú đứng đầu trong nhóm ung thư thường gặp và gây tử vong do ung thư cao nhất ở phụ nữ.

Số liệu thống kê của GLOBOCAN (Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế) cho thấy, nếu năm 2018 Việt Nam có 15.229 ca mắc mới ung thư vú, 6.103 ca tử vong thì chỉ đến năm 2020 đã phát hiện 21.555 ca mắc mới và 9.345 trường hợp tử vong, chiếm gần 26% các bệnh ung thư ở phụ nữ.

leftcenterrightdel
 Hệ thống máy X-quang nhũ ảnh kỹ thuật số 3D Mammomat Inspiration được sử dụng trong tầm soát ung thư vú. (Ảnh: LT)

“Gần đây nhờ các tiến bộ trong sàng lọc, chẩn đoán cũng như phác đồ điều trị mà thời gian và chất lượng sống của bệnh nhân ung thư vú ở nước ta đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, xu hướng trẻ hoá độ tuổi mắc bệnh, số lượng ca phát hiện muộn vẫn đang tăng dần. Bệnh nhân mắc ung thư vú ở nước ta phần lớn rơi vào độ tuổi từ 40 trở lên, so với độ tuổi mắc bệnh trung bình của các nước trên thế giới là sớm hơn 10 năm.  Nguyên nhân phần lớn là do nhận thức về tầm quan trọng của tầm soát và khám sàng lọc ung thư vú trong cộng đồng vẫn còn hạn chế; tâm lý chủ quan, nhiều người bệnh còn tự ý đắp thuốc lá, uống thuốc nam… dẫn đến điều trị khó khăn,...” - TS. Nguyễn Huy Quang nói.

Mặc dù vậy, căn bệnh ung thư vú tiến triển chậm, tiên lượng tốt, thời gian sống kéo dài, tỉ lệ khỏi bệnh lên đến 90% nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Đáng chú ý, nếu được phát hiện và điều trị khi ung thư đang ở giai đoạn rất sớm thì tỉ lệ sống sau 5 năm đạt 98% nhưng khi ở giai đoạn cuối thì chỉ còn khoảng 10%. Để có thể chữa bệnh ung thư vú hiệu quả thì bệnh nhân cần thực hiện các kiểm tra nhằm phát hiện càng sớm càng tốt ung thư vú trước khi xuất hiện dấu hiệu hay triệu chứng bệnh, nếu phát hiện bệnh quá muộn thì có thể sẽ dẫn đến tử vong.

leftcenterrightdel
 Thực hiện tầm soát ung thư vú bằng hệ thống máy MRI 3.0 Tesla Lumina Siemens (Đức). (Ảnh: LT)

Cũng theo các chuyên gia ung thư, hiện nay, tầm soát ung thư vú chính là phương pháp tốt nhất để chị em có thể phát hiện được bệnh từ sớm để làm tăng khả năng sống cao hơn. Phụ nữ nên bắt đầu khám định kỳ 1-2 năm/lần bắt đầu từ tuổi 50. Ngoài ra, nếu phát hiện bất kỳ hiện tượng bất thường nào ở ngực như đau ngực, chảy máu, nổi cục… cũng phải kiểm tra và thăm khám.

L.T