Bệnh nhân Võ Thị T. (58 tuổi, trú huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đi khám và tình cờ phát hiện khối tổn thương ở thùy dưới phổi trái. Qua thăm khám và chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, các bác sĩ phát hiện hình ảnh khối tổn thương này nằm trong thùy dưới phổi trái, được nuôi dưỡng bởi một nhánh động mạch xuất phát từ động mạch chủ ngực, đường kính của nhánh động mạch nuôi dưỡng này bằng nửa đường kính động mạch chủ ngực.

Bệnh nhân được chẩn đoán phổi biệt lập trong thùy dưới phổi trái và được chỉ định phẫu thuật để cắt phần phổi biệt lập bằng phương pháp nội soi lồng ngực.

leftcenterrightdel
 Bác sĩ kiểm tra tình hình sức khỏe của bệnh nhân sau phẫu thuật.

Các bác sĩ khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Đà Nẵng tiến hành phẫu tích cắt bỏ nhánh động mạch xuất phát từ động mạch chủ ngực, nuôi dưỡng cho phần phổi biệt lập và cắt bỏ trọn vẹn tổn thương phổi biệt lập, đồng thời bảo tồn được thùy dưới phổi trái cho bệnh nhân mà không xảy ra biến chứng gì. Ca phẫu thuật diễn ra trong vòng 3 giờ đồng hồ. Sau mổ 5 ngày, bệnh nhân ổn định và được xuất viện.

BSCKII Thân Trọng Vũ, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực – Bệnh viện Đà Nẵng, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết, đây là một ca bệnh hiếm gặp, một phẫu thuật khó và phức tạp do động mạch nuôi dưỡng cho phổi biệt lập trên bệnh nhân này có đường kính lớn, xuất phát từ động mạch chủ ngực, có biểu hiện vôi hóa dễ vỡ gây chảy máu nên các bác sĩ phải làm sao để cắt bỏ chỉ phần phổi bị tổn thương mà không cắt toàn bộ thùy phổi của bệnh nhân.

Bác sĩ Vũ cho hay, phổi biệt lập là một tổn thương bẩm sinh bất thường ở phổi. Đây là một bệnh hiếm gặp, tổn thương dị dạng đường thở-phổi bẩm sinh có tỷ lệ mới mắc khoảng 1/8300 – 1/35000 trẻ sinh ra còn sống (nghĩa là 8300 -35000 trẻ sinh ra sống thì có 1 trẻ mắc tổn thương dị dạng đường thở bẩm sinh). Trong các tổn thương dị dạng đường thở-phổi bẩm sinh thì phổi biệt lập chiếm tỷ lệ 0,15-6,4%.

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, 10 năm nay mới gặp 1 trường hợp phổi biệt lập. Việc chẩn đoán phổi biệt lập thường được thực hiện ở thời kỳ trẻ nhỏ. Đối với người trưởng thành việc phát hiện phổi biệt lập không có triệu chứng rất hiếm gặp, chỉ được phát hiện tình cờ khi tầm soát chẩn đoán liên quan đến một số bệnh.

“Việc điều trị phổi biệt lập chủ yếu là điều trị phẫu thuật để cắt bỏ sớm phần phổi không chức năng. Nếu bệnh diễn biến có triệu chứng như viêm phổi, áp xe phổi thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn thậm chí phải cắt bỏ cả thùy phổi có chứa phổi biệt lập, gây ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của bệnh nhân sau này.

Vì vậy những bệnh nhân thường xuyên bị  đau ngực hoặc viêm phổi tái đi tái lại, khi chụp XQ có tổn thương phía dưới lồng ngực thì nên nghi ngờ tổn thương phổi biệt lập. Từ đó, làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn như chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch để phát hiện và xử trí phổi biệt lập, tránh gây biến chứng phải cắt bỏ phổi thùy phổi”, bác sĩ Vũ khuyến cáo.

L.T