Theo đó, ông N.B.H (SN 1958, trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) nhập viện cấp cứu tại tại bệnh viện trong tình trạng đau nặng nề vùng bụng kèm với sốt cao, rét run, mệt mỏi, chán ăn.
Ông H. có tiền sử sỏi mật phát hiện đã lâu và nhiều bệnh nền nguy hiểm như tăng huyết áp, đái tháo đường type II, tai biến mạch máu não hơn 10 năm nay, yếu nửa người trái.
Sau khi thăm khám, siêu âm và chụp CT Scan bụng cho thấy hình ảnh túi mật căng lớn, kích thước đến 60x120mm, thành túi phù nề, chứa nhiều sỏi, nhiều dịch ổ phúc mạc, xét nghiệm máu cũng cho thấy các chỉ số nhiễm trùng tăng cao. Các bác sĩ chẩn đoán ông H. bị nhiễm trùng đường mật do sỏi biến chứng hoại tử túi mật tiên lượng nặng.
|
|
Sau phẫu thuật sức khỏe ông H. dần ổn định. |
Ngay lập tức, ekip y bác sĩ bệnh viện đã phẫu thuật nội soi kéo dài 3 giờ đồng hồ và cắt bỏ được toàn bộ túi mật, lấy ra hàng trăm viên sỏi, súc rửa và dẫn lưu ổ phúc mạc cho ông H. Sau phẫu thuật sức khỏe ông H. dần ổn định và được xuất viện
Bác sĩ Nguyễn Hoàng – Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng cho hay, sỏi mật là bệnh lý hay gặp của đường tiêu hóa. Thế nhưng vì chủ quan, ngại điều trị, người dân thường đến khám sỏi mật khi bệnh đã có biến chứng. Khi đó việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, đặc biệt trên bệnh nhân lớn tuổi và nhiều bệnh kèm.
“Vì vậy khi có những dấu hiệu như: đau bụng từng cơn tại vùng hạ sườn phải, đi kèm buồn nôn và đầy trướng bụng, sốt cao,... hoặc bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác. Người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị", - bác sĩ Nguyễn Hoàng khuyến cáo.