Trong những năm trước đây, bệnh viện mắt Thái Nguyên luôn là địa chỉ đáng tin cậy của người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung trong việc khám, chữa và phẫu thuật. Bệnh viện đã lấy lại thị lực cho rất nhiều bệnh nhân bị đục thủy tinh thể bằng phương pháp mổ Phaco.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số bệnh nhân sau khi được mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco tại Bệnh viện này thì mắt của họ đã bị viêm, nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến hỏng hoàn toàn.
|
|
Bệnh viện Mắt Thái Nguyên |
Báo bảo vệ Pháp luật nhận được đơn phản ánh của nhiều bệnh nhân đã được phẫu thuật mắt tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên với nội dung hầu hết là giống nhau, nhiều bệnh nhân đã tin tưởng đến với bệnh viện mắt Thái Nguyên để mong sao các Bác sĩ ở đây có thể giúp họ lấy lại được phần nào thị lực đã bị mất. Thế nhưng, từ năm 2018 trở lại đây không hiểu vì trình độ chuyên môn hay lý do gì, một số bác sĩ của Bệnh viện đã mổ nhiều ca đục thủy tinh thể không thành công dẫn đến tình trạng mắt của bệnh nhân bị viêm, nhiễm trùng, buộc bệnh nhân phải chuyển tuyến trên để mổ lại với tia hy vọng rất nhỏ nhoi. Điều đáng buồn là nhiều người đã bị mù vĩnh viễn, vì thị lực không thể hồi phục.
Trong đó điển hình là trường hợp của ông Lê Văn Ngọc (trú tại xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên).
Để tìm hiểu sâu hơn, PV đã vào khoa mắt của bệnh viện A Thái Nguyên nơi mà ông Ngọc hiện nay là một bệnh nhân đang điều trị do đã được mổ đục thủy tinh thể bằng phương pháp phaco không thành công trước đó ở Bệnh viện Mắt Thái Nguyên.
Trao đổi với PV, ông Ngọc cho biết: “Trước khi được mổ mắt tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên tình trạng mắt trái của tôi mờ, không nhìn rõ mọi vật xung quanh. Ngày 8/10/2018, sau khi khám ở Bệnh viện Mắt Thái Nguyên các bác sĩ chẩn đoán mắt trái của tôi bị đục thủy tinh thể và được chỉ định mổ bằng phương pháp phaco tại đây, người trực tiếp mổ cho tôi là bác sĩ Nguyên Văn Hữu, Phó Giám đốc bệnh viện.
|
|
Bệnh nhân Lê Văn Ngọc bị mù vĩnh viễn sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể. |
Trong thời gian tôi nằm điều trị sau hậu phẫu, mắt của tôi rất đau và nhức, bác sĩ trực tiếp mổ và điều trị cho tôi không hề tới thăm hỏi hay khám lại, cũng không hề cho tôi sử dụng loại thuốc gì ngoài một lọ thuốc nhỏ mắt. Sau khi được xuất viện, Bác sĩ chỉ kê 1 lọ thuốc nhỏ mắt đồng thời hẹn một tuần tái khám... Khi về nhà điều trị, mắt trái của tôi đã có triệu chứng đau nhức nhiều hơn trước và mờ dần.
Sau một tuần, tôi đã đến Bệnh viện Mắt khám lại, nhưng bác sĩ khám bảo mắt tôi ổn rồi không phải nằm điều trị nữa. Nhưng khi ở nhà những cơn đau nhức ngày càng tăng, mắt trái của tôi không thể nhìn thấy gì nữa...
Lo lắng nên tôi đã đến khám tại Khoa mắt Bệnh viên A Thái Nguyên nhờ khám lại và điều trị. Bác sĩ tại đây thông báo con mắt trái của tôi giờ chỉ như cái bóng đèn mờ mà sắp bị đứt hết dây tóc bên trong, khó phục hồi.
Để minh chứng thêm, chúng tôi đã liên hệ với bà Hoàng Thị Chinh (65 tuổi, trú tại xã Tân Đức, huyện Phú Bình, Thái Nguyên) là một bệnh nhân đã được bác sĩ Ngô Văn Tập, Bệnh viện Mắt Thái Nguyên trực tiếp mổ.
Bà Chinh cho biết: Có đoàn bác sĩ của bệnh viện Mắt Thái Nguyên đến trạm y tế xã khám, tôi được thông báo đến khám và bác sĩ khám bảo tôi mắt của bà bị đục thủy tinh cần phải mổ. Sáng ngày 13/1/2019, sau khi mổ xong tôi đã về phòng điều trị nằm nghỉ, đến 22h cùng ngày tôi thấy mắt tôi đau nhức, vì vậy tôi đã bảo con dâu gọi bác sĩ vào khám lại cho tôi, nhưng không một bác sĩ nào đến khám cả.
Đến sáng hôm sau, mắt tôi đau dữ dội không thể chịu được nữa, thì lúc đấy Bác sĩ mới đến khám cho tôi. Sau khi kiểm tra, bác sĩ đã chuyển tôi lên bệnh viện tuyến trên (bệnh viện mắt Trung ương) ở Hà Nội để điều trị. Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán mắt tôi bị “Viêm mủ nội nhãn” và mắt của tôi phải phẫu thuật lần nữa, gia đình tôi phải chi phí nhiều chục triệu đồng sau hai lần mổ... Cũng may tôi được cứu chữa kịp thời, nên bây giờ những cơn đau nhức đã đỡ phần nào nhưng không nhìn thấy gì nữa.
Chúng tôi đã trao đổi với một bác sĩ chuyên khoa về mắt tại Bệnh viện A Thái Nguyên thì được biết: Bệnh nhân Lê Văn Ngọc chuyển giấy bảo hiểm xuống khoa mắt của Bệnh viện A Thái Nguyên, chúng tôi đã khám rất kỹ thì thấy tình trạng mắt trái của bệnh nhân rất trầm trọng, trước đây bệnh nhân đã được mổ tại Bệnh viện mắt Thái Nguyên thay thủy tinh nhân tạo, nhưng khi đến khám ở khoa mắt Bệnh viện A, thì mắt trái không nhìn thấy nữa đau nhức dữ dội và bị viêm, sau khi hội chẩn Bệnh viện quyết định phẫu thuật lại cho bệnh nhân Ngọc mục tiêu chỉ là làm hết đau nhức cho bệnh nhân, còn không thể lấy lại được thị lực nữa.
Theo nhận định của bác sĩ tại Bệnh viện A Thái Nguyên, "bệnh nhân Ngọc được mổ trước đó đã gặp sự cố trong phẫu thuật, để còn sót lại những chất nhân trong mắt dẫn đến tình trạng viêm, nhiễm trùng nặng. Nhưng sau khi quay lại khám không được điều trị triệt để dẫn đến hỏng hoàn toàn mắt trái...”.
Để rộng đường dư luận, ngày 20/2/2019 phóng viên đã liên hệ với bác sĩ Nguyễn Văn Hữu – Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Thái Nguyên. Tại buổi làm việc, BS Hữu đã thừa nhận, ông đã trực tiếp mổ đục thủy tinh thể cho trường hợp của ông Lê Văn Ngọc và trường hợp của bà Chinh là do BS Tập mổ. Điều bất ngờ là khi PV nói đến tình trạng hiện tại của bệnh nhân Ngọc thì ông Hữu không hề biết và có ý muốn xin số điện thoại để gọi hỏi thăm tình trạng của bệnh nhân Ngọc.
|
|
BS Nguyễn Văn Hữu, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Thái Nguyên làm việc với PV báo Bảo vệ pháp luật |
BS Hữu còn cho biết thêm: "Sau khi phát hiện trường hợp viêm mủ nội nhãn của bà Chinh, chúng tôi đã chuyển lên Bệnh viện Mắt tuyến trên để chữa trị và mọi chi phí khi bà Chinh điều trị ở dưới đó đều do bác sĩ Tập cùng góp kinh phí với bệnh nhân để chi trả viện phí, số kinh phí trên sau này bệnh viện sẽ cân đối để chi trả cho bác sĩ Tập...".
Để tránh xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc như của ông Ngọc và bà Chinh, Báo Bảo vệ pháp luật đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân tại Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, nhằm đem lại sự công bằng cho các bệnh nhân, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp và chất lượng chuyên môn chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ trở lại vụ việc này.