Khi vắc xin COVID-19 được triển khai trên toàn cầu, công tác hậu cần cho việc phân phối vắc xin đang gặp phải nhiều thách thức. Một trong nhiều vấn đề là tuy mất nhiều tháng phát triển và thử nghiệm, nhưng loại vắc-xin này vẫn có thể bị vấp ngã ở vạch đích vì một nguyên nhân có vẻ như rất nhỏ nhặt, đó là phải cần tủ lạnh.
Sau khi lấy ra khỏi tủ lạnh, liều vắc xin COVID-19 phải được tiêm trong thời gian ngắn nếu không sẽ có nguy cơ bị hỏng. Yêu cầu nhiệt độ phải lạnh không chỉ ảnh hưởng đến vắc xin COVID-19 mà còn có thể làm chậm hoặc hạn chế khả năng tiếp cận vắc-xin ở các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp cũng như những nơi không đảm bảo khả năng làm lạnh. Theo Tổ chức Y tế thế giới, hơn 50% liều vắc xin trên toàn thế giới bị lãng phí hàng năm do lỗi bảo quản và vận chuyển.
Nhưng hiện nay, nhờ một phương pháp sản xuất vắc xin mới, vấn đề này sẽ sớm có lời giải. Một nhóm các nhà khoa học sinh hóa đã thiết kế phương pháp làm đông khô các thành phần thiết yếu của vắc xin, liều thuốc có thể được bù nước đơn giản và được sử dụng theo yêu cầu tại điểm đến chỉ trong vòng một giờ đồng hồ. Công trình này đã được đăng trên tạp chí Science Advances vào thứ Tư tuần vừa qua.
Nền tảng này được gọi là iVax và hoạt động bằng cách sử dụng vắc xin không tế bào thay tế bào sống thường được sử dụng trong vắc xin hiện nay. Thay vì đưa toàn bộ tế bào vào vắc xin, các nhà nghiên cứu loại bỏ thành tế bào và chỉ thu thập bộ máy phân tử của nó.
Khi nói đến quá trình nghiên cứu đông khô các thành phần vắc xin, ông Michael Jewett-đồng tác giả của nghiên cứu và là giáo sư kỹ thuật hóa học, sinh học tại Đại học Northwestern (Mỹ), cho biết: quy trình này không quá khác so với một quả dâu tây được đông khô trước khi đưa vào bát ngũ cốc.
Đồng thời ông cũng giải thích: “Chúng tôi chiết xuất từ tế bào “tươi” thành tế bào đông khô để tạo ra vắc xin. Điều này cho phép chúng tôi đưa vắc xin ở bất kỳ nơi đâu bạn đến mà không cần có tủ lạnh đi kèm. Quá trình đông khô vắc xin giống như quá trình đông khô trái cây, mục đích là loại bỏ tất cả nước ở nhiệt độ thấp trong chân không ”.
Sau khi chúng đã được đông khô, GS Jewett lý giải thêm: các chất chiết xuất từ tế bào này có thể ổn định trong nhiều tháng mà không cần kiểm soát nhiệt độ và có thể được bù nước đơn giản tại điểm đến để bắt đầu phản ứng hóa học nhằm tạo ra vắc xin tại chỗ. Việc thanh lọc và sử dụng vắc xin đơn giản như vậy chỉ với giá khoảng 1 đô la cho mỗi liều.
Tuy nhiên, những loại vắc xin này vẫn chưa sẵn sàng để ra mắt thời điểm hiện tại. Quy trình này chỉ đang được phát triển cho vắc xin vi khuẩn, có nghĩa chúng là một loại vắc-xin có chiết xuất khác với loại vắc xin chống lại virus như COVID-19. Mặc dù trong tương lai, việc mở rộng sang các loại khác hoàn toàn rất khả thi.
Hiện tại, vắc xin vi khuẩn mà nhóm nghiên cứu đang phát triển và thử nghiệm trên chuột đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn.
Dù trong thời điểm hiện nay vắc xin COVID-19 vẫn là điều mọi người nghĩ đến nhiều nhất, nhưng GS Jewett và các đồng nghiệp đang cố gắng nỗ lực trên đà phát triển vắc xin vi khuẩn. Đặc biệt, họ đang tập trung vào việc sử dụng phương pháp này để phát triển điều trị các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc kháng sinh, chẳng hạn như thương hàn và thậm chí chống khủng bố sinh học. Những loại vắc xin như vậy trước đây rất khó sản xuất, nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng rằng cách tiếp cận mới của họ có thể mang lại một giải pháp hiệu quả với giá thành rẻ hơn.