Theo Bệnh viện Gia đình Đà Nẵng, cháu K. được bố mẹ đưa đến nhập khoa Cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng kích thích, lơ mơ, quấy khóc, bầm tím mi mắt trái, tăng tiết dịch hầu họng, nhịp tim nhanh, phổi âm thô, SpO2 95%...

Ngay lập tức, các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí hút đờm dãi, chỉ định cận lâm sàng X-quang phổi và chụp CT sọ não để hội chẩn điều trị. Kết quả X–quang cho thấy hình ảnh dị vật nằm trong dạ dày.

Để hạn chế biến chứng có thể xảy ra ekip bác sĩ khoa Nội tiêu hóa gan mật và khoa Gây mê hồi sức đã hội chẩn và quyết định thực hiện nội soi gây mê để gắp dị vật cho cháu bé.

Trong thời gian 15p, dị vật là mẫu đá đeo tay có kích thước 1cm đã được lấy ra khỏi dạ dày cháu.

leftcenterrightdel
Các bác sĩ nội soi lấy dị vật ra khỏi dạ dày cháu H.T.Đ.K. (ảnh: BV cung cấp) 

Sau 6h đồng hồ sau nội soi, cháu H.T.Đ.K. ngủ yên, thở đều, SpO2 97% và được chuyển về khoa Nhi để tiếp tục theo dõi điều trị tình trạng viêm phổi.

Theo mẹ của cháu K. cho hay, trong lúc đang chơi thì cháu K. bị té rồi sặc, có biểu hiện khó thở nên trong vòng 30 phút, gia đình đã đưa con vào viện cấp cứu.

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Quang Sang - Khoa Nội Tiêu hóa Gan Mật, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng cho hay, dị vật đường tiêu hóa là một cấp cứu ngoại khoa, cần được chẩn đoán và xử trí sớm vì ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

"Bố mẹ có thể kịp thời nhận biết dấu hiệu trẻ đã nuốt phải dị vật và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi có những dấu hiệu gồm: trẻ kích thích, quấy khóc, tăng tiết nhiều nước bọt, đau khi nuốt, đau bụng hoặc nôn mửa, ói máu, đại tiện có máu hoặc ho, sặc, khó thở, suy hô hấp trong trường hợp trẻ có dị vật đường thở", bác sĩ Quang khuyến cáo.

 



L.T