Tính từ 17h ngày 2/9 đến 17h ngày 3/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.922 ca nhiễm mới, trong đó, 28 ca nhập cảnh và 14.894 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (8.499), Bình Dương (3.676), Đồng Nai (986), Long An (564), Tây Ninh (267), Tiền Giang (154), Kiên Giang (104), Đồng Tháp (82), Đà Nẵng (81), Bình Thuận (75), An Giang (62), Khánh Hòa (61), Hà Nội (58), Bà Rịa - Vũng Tàu (39), Nghệ An (37), Quảng Ngãi (24), Phú Yên (19), Bình Định (17), Thanh Hóa (15), Cần Thơ (10), Gia Lai (10), Đắk Nông (9), Bình Phước (8 ), Vĩnh Long (8 ), Trà Vinh (5), Hà Tĩnh (5), Bến Tre (5), Cà Mau (4), Quảng Nam (3), Nam Định (2), Bạc Liêu (2), Bắc Ninh (1), Hậu Giang (1), Bắc Giang (1) trong đó, có 9.275 ca trong cộng đồng.
Như vậy, trong 24 giờ qua,  số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.708 ca. Tại TP. Hồ Chí Minh tăng 2.536 ca, Bình Dương giảm 828 ca, Đồng Nai tăng 183 ca, Long An giảm 19 ca, Tây Ninh tăng 205 ca.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
Kể từ đầu dịch đến nay,  Việt Nam có 501.649 ca nhiễm, đứng thứ 53/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 5.103 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 497.391 ca, trong đó có 267.894 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 10/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.
Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ, Kon Tum, Hà Nam.
Có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (241.084), Bình Dương (126.408), Đồng Nai (26.314), Long An (23.785), Tiền Giang (10.290).
Số bệnh nhân khỏi bệnh: Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 11.344; Tổng số ca được điều trị khỏi: 270.668 ca.
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.491 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 4.122; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.295; Thở máy không xâm lấn: 179; Thở máy xâm lấn: 867; ECMO: 28
Số bệnh nhân tử vong:
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 338 ca tử vong. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh (250), Bình Dương (44), Cà Mau (30), Đồng Tháp (5), Hà Nội (2), Đắk Lắk (2), Tiền Giang (2), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Khánh Hòa (1).
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 12.476 ca, chiếm tỷ lệ 2,5%, so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Trong 24 giờ qua, đã thực hiện 715.672 xét nghiệm cho 1.223.119 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 16.063.195 mẫu cho 37.033.557 lượt người. 
Trong ngày 2/9, có 283.221 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 20.831.478 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 17.872.356 liều, tiêm mũi 2 là 2.959.122 liều.
Hoạt động y tế trong ngày:
Tiếp tục triển khai phân bổ 54.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 cho các cơ sở điều trị, nâng tổng số thuốc này đã phân bổ lên hơn 227.680 lọ. Đây là lần phân bổ thứ 5 thuốc Remdesivir điều trị COVID-19 của Bộ Y tế và đợt phân bổ này tập trung chủ yếu cho các cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh, xây dựng kế hoạch hướng tới việc tuyển dụng và trả lương cho những trường hợp F0 đã khỏi bệnh khi tham gia vào công tác chăm sóc người mắc COVID-19 đang điều trị vì sau khi bị nhiễm COVID-19 và được điều trị ổn định thì những người này sẽ có nồng độ kháng thể trong cơ thể, có thể miễn nhiễm tạm thời với vi rút SARS-CoV-2. Do đó, lực lượng F0 khỏi bệnh có kháng thể có thể tham gia cùng Thành phố trong công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ điều dưỡng, thực hiện công tác hướng dẫn, vệ sinh khử khuẩn… để nhân viên y tế dành thêm thời gian thực hiện công tác chuyên môn.
Đề xuất xem xét bổ sung 2 thuốc (Reamberin và Cytoflavin) vào phác đồ điều trị cho F0. Đây là thuốc dự kiến được viện trợ của Công ty Polysan (Nga) để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, thuốc Reamberin có chỉ định giảm oxy huyết và giải độc trong các trường hợp ngộ độc cấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Còn thuốc Cytoflavin có chỉ định phòng chống đột quỵ, thiếu máu cục giai đoạn cấp.
 
Hoài Thu