Bệnh viện 199 (Bộ Công an) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân nhập viện với những biểu hiện lơ mơ, tê toàn thân sau khi dùng thuốc lá điện tử dạng dung dịch.

Trước đó, chiều ngày 8/4, L.H.T.A (SN 2005, đang học trường nghề, trú quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình lơ mơ, tiếp xúc khó, nằm một chỗ, da niêm mạc hồng, mạch và huyết áp bình thường.

 Bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất kích thích khác, bao gồm cả cafein.

Các bác sĩ đã cho bệnh nhân thực hiện các chỉ định cận lâm sàng. Test nhanh 4 loại ma túy (MET/THC/MOMA/MOP) đều cho kết quả âm tính.

Sau khi tỉnh lại, A. cho biết đã được bạn cho dùng thuốc lá điện tử dạng dung dịch. Bệnh nhân A. đang được điều trị tại Khoa Hồi sức với tình trạng sức khỏe ổn định.

leftcenterrightdel
 Bệnh nhân A. đang được điều trị tại Khoa Hồi sức với tình trạng sức khỏe ổn định. (ảnh: LT)

Bác sĩ  Đỗ Văn Tá - Khoa khám bệnh - Cấp cứu (Bệnh viện 199) cho biết, việc sử dụng chất gây nghiện trong thanh thiếu niên có thể chỉ đơn thuần sử dụng nhất thời. Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ là sử dụng nhất thời, thuốc gây nghiện có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe người sử dụng, ví dụ như quá liều, các hành vi bạo lực và hậu quả của việc quan hệ tình dục không an toàn (ví dụ mang thai, lây nhiễm bệnh qua đường tình dục).

Nặng nề có thể đe dọa tính mạng của người sử dụng, điều này tùy thuộc vào chất gây nghiện, hoàn cảnh và tần suất dùng thuốc.

Bệnh nhân có thể xuất hiện các ảo giác, hưng phấn và những hành động kích động có thể gây hại cho bản thân và người xung quanh mà bản thân bệnh nhân không kiểm soát được.

Bác sĩ Tá khuyến cáo các bạn trẻ không nên nghe theo sự xúi giục của bạn bè thử các chất không rõ nguồn gốc.

 

Lê Tâm