Khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp nhận một bé nam 20 tháng tuổi bị dị vật đường tiêu hóa. Tại đây, cháu bé lập tức được đưa đi chụp X-Quang, kết quả cho chụp cho thấy có hình ảnh dị vật cản quang trong ổ bụng, ngang rốn.

leftcenterrightdel
 Móc chìa khóa trong dạ dày bệnh nhi.

Sau khi tiếp nhận và đánh giá tình trạng bệnh nhi, các bác sĩ nhận định cần khẩn trương can thiệp gắp dị vật kim khí dạ dày (móc chìa khóa) bằng phương pháp nội soi gây mê.

Kíp can thiệp được tiến hành bởi các bác sĩ dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa và gây mê thực hiện. Dưới hướng dẫn của nội soi, các bác sĩ đã hết sức khéo léo lấy thành công dị vật kim khí có kích thước 3.5 x 1.5 cm đưa ra khỏi đường tiêu hóa trẻ.

Sau khi gắp dị vật, niêm mạc đường tiêu hóa trọn vẹn, không rách thủng. Trẻ được hồi sức sau mê, sức khỏe được hồi phục, bớt hoảng loạn và tươi tắn.

Nuốt phải dị vật vào đường tiêu hóa là một tai nạn thường gặp đặc biệt ở trẻ nhỏ. Trong phần lớn các trường hợp, dị vật bị nuốt vào sẽ tự trôi qua ống tiêu hóa trước khi được đào thải ra ngoài theo phân.

leftcenterrightdel
 Bs Bệnh viện Đà Nẵng thăm khám bệnh nhân.

Tuy nhiên, đôi khi các dị vật không tiếp tục di chuyển mà bị tắc lại ở một chỗ hẹp gây ra viêm, loét, thậm chí thủng đường tiêu hóa dẫn đến nhiều biểu hiện lâm sàng đa dạng, có thể ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh.

BS Nguyễn Quang Huy (Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa), Trưởng kíp can thiệp cho biết: “Nếu không được gắp kịp thời, thì dị vật sẽ tiếp tục đi xuống đường ruột có khả năng gây tắc ruột, loét thủng đường tiêu hóa, nhiễm độc máu... Lúc này bệnh nhi có thể phải trải qua nhiều ca phẫu thuật phức tạp, nguy hiểm và tốn kém hơn”,

BS Huy cũng khuyến cáo phụ huynh nên chú ý đến con trẻ, không nên để cho trẻ chơi một mình  đặc biệt theo dõi và cẩn thận khi để trẻ chơi với các vật dụng nhỏ, sắc nhọn trong nhà.g

Trước đó, ngày 12/11, bệnh nhân Đ.T.H. (SN 2002, trú quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) không may nuốt phải muỗng nhựa khi đang ăn.

Bệnh nhân đến cấp cứu tại bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng đau bụng thượng vị, buồn nôn. Qua chụp CT Scan bụng, Xquang bụng đứng, ghi nhận dị vật cản quang trong lòng dạ dày bệnh nhân.

Sau khi được hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ tiến hành thủ thuật nội soi thực quản dạ dày lấy ra dị vật là muỗng nhựa dài khoảng 12 cm, rộng khoảng 2,5 cm.

Cũng trong ngày 12/11, bệnh nhân V.T.T. (74 tuổi, trú quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng nhập viện trong tình trạng đau bụng hạ vị kèm đại tiện phân lỏng. Bệnh nhân cho biết, cách 2 tuần có nuốt dị vật răng giả. Kết quả chụp CT scan bụng có dị vật cản quang gây viêm và thủng đại tràng sigma, viêm phúc mạc khu trú.

Các bác sĩ đã tiến hành chuyển mổ cấp cứu lấy dị vật ra ngoài là cung răng gắn 3 răng giả, làm hậu môn nhân tạo.

leftcenterrightdel
 2 dị vật được các Bs Bệnh viện Đà Nẵng gắp ra từ dạ dày bệnh nhân.

Sau khi lấy dị vật, hiện tại tình hình 2 bệnh nhân ổn định và dự kiến được xuất viện trong vài ngày ngày tới.

Theo Ths.BS.CKII Nguyễn Văn Xứng - Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, dị vật đường tiêu hóa thường gặp trong quá trình ăn uống, thực sự nguy hiểm tới tính mạng người bệnh và có tỷ lệ tử vong cao. Hay gặp nhất là xương động vật (cá, gia cầm, lợn...) cũng như hàm răng giả, hiếm gặp hơn có thể là các dụng cụ ăn uống, các vật dụng thường ngày. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mắc dị vật này, tuy nhiên bệnh chủ yếu xuất hiện do những yếu tố như ăn vội vàng, cười đùa trong khi ăn; ngậm các dị vật nhỏ vô tình nuốt; người mang răng giả…

“Để phòng ngừa dị vật đường tiêu hóa, mọi người không nên ăn uống vội vàng, hạn chế nói chuyện và cười đùa trong khi ăn, tránh thức ăn có lẫn xương. Đối với trẻ em và người già, cần loại bỏ xương trước khi ăn. Khi người bệnh mắc dị vật đường tiêu hóa, không nên chữa mẹo mà hãy nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và xử trí, tránh để lại những biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Xứng khuyến cáo.


Huân Thu - Lê Tâm