leftcenterrightdel
Vẫn chưa có Vắc xin chống dịch tả lợn Châu Phi 

Hiện nay, theo thông tin mới nhất cả nước đã có 20 tỉnh có dịch tả lợn Châu Phi. Lai Châu là tỉnh 20 vừa công bố có dịch.

Theo Chi cục Thú y tỉnh Lai Châu, khoảng 15h30 ngày 19.3, Chi cục đã phối hợp với huyện Tam Đường tổ chức tiêu hủy hơn 100 con lợn bị mắc dịch tả lợn Châu Phi tại hộ chăn nuôi là gia đình ông Nguyễn Văn Cận - bản Đông Phong (xã Thèn Sin, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).

Dịch tả lợn Châu Phi hiện nay vẫn lan nhanh và có dấu hiệu lan dần vào phía Nam. Trước tình hình đó, các điểm chốt chống dịch lây lan đã có những phương án phòng, chốt chặt những điểm chốt. Như ở Đà Nẵng các hướng đi qua đèo Hải Vân đều được kiểm soát chặt chẽ, ở Thừa Thiên Huế đã có lệnh không cho dịch lan rộng ở những vùng xung quanh...

Thực trạng bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang lan nhanh, và nhằm hỗ trợ Việt Nam ứng phó với dịch tổ chức FAO phối hợp với tổ chức thú y thế giới (OIE) thực hiện đánh giá khẩn cấp nhằm tăng cường khả năng đáp ứng và ngăn chặn sự lây lan dịch tả lợn Châu Phi.

Mục tiêu của đoàn đánh giá bao gồm Tư vấn cho Bộ NN-PTNT về các biện pháp tốt nhất để xử lý và tiêu hủy lợn; tư vấn để sử dụng tốt nhất các nguồn lực sẵn có nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus ASF; đề xuất các hành động ngay lập tức, ngắn hạn và trung hạn. Mục đích là kết hợp các hành động này với kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp chống dịch của Việt Nam.

Ông Albert T. Lieberg, Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam cho biết. “Cục Chăn nuôi ước tính hiện có hơn 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn tại Việt Nam. Do vậy, khi đàn lợn buộc phải tiêu hủy vì dịch tả lợn Châu Phi và các biện pháp kiểm soát dịch sẽ dẫn tới gánh nặng kinh tế cho nhiều gia đình ở vùng nông thôn. Cùng với các đối tác quốc tế khác, FAO sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ chính phủ Việt Nam đối phó với dịch lợn Châu Phi và giảm thiểu hậu quả”.

Tuy nhiên, đoàn cũng đánh giá mặc dù chính quyền địa phương đang nỗ lực kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển, buôn bán lợn và các sản phẩm từ lợn. Nhưng với các hộ có quy mô nhỏ thực hiện an toàn sinh học thấp và sử dụng nguồn thức ăn thừa từ nhà bếp là yếu tố tạo điều kiện cho dịch lan rộng.

“Việc các phương tiện truyền thông đưa tin chính xác về thực trạng dịch tả lợn Châu Phi tới công chúng là rất quan trọng. Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh rất dễ lây truyền trong đàn lợn và không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học là yếu tố quan trọng để bảo vệ lợn an toàn khỏi dịch. Lợn bị nhiễm bệnh và phơi nhiễm phải bị tiêu hủy để ngăn chặn dịch lây lan”, ông lan Dacre - Trưởng đoàn, nói.

Lê Sử