Trước đó, chiều ngày 30/5, bệnh nhi Trương Phúc Gia H (11 tuổi, Vỹ Dạ, TP Huế, Thừa Thiên Huế) được đưa đến Khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng đau ở vùng sau xương ức, điện tâm đồ có hình ảnh rối loạn nhịp thất, thiếu máu cơ tim, xét nghiệm phản ánh cơ tim bị tổn thương.

Bệnh được chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp, nguy cơ tử vong rất cao. Bệnh nhân được điều trị nội khoa tích cực theo hướng viêm cơ tim tối cấp và được dõi sát chức năng sống.

leftcenterrightdel
 Bệnh nhi nhập viện với nguy cơ tử vong rất cao.

Sau một ngày điều trị, bệnh diễn tiến nặng hơn, xuất hiện rung thất, giảm tri giác, vô mạch, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tim phổi, sốc điện hai lần và sử dụng thuốc cống loạn nhịp thất đường tĩnh mạch, tình trạng rối loạn nhịp thất vẫn còn, bệnh tiếp tục xuất hiện sốc huyết áp tụt, vô mạch, không có nước tiểu, chức năng co bóp cơ tim giảm nặng còn 32 %.

Xác định đây là một trường hợp sốc tim do viêm cơ tim tối cấp có rung thất, nguy cơ tử vong 100% nếu không chỉ định kỹ thuật hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể. Các bác sĩ Nhi đã khẩn trương hội chẩn liên chuyên khoa toàn viện để đưa ra phương án tối ưu nhất. Sau hội chẩn bệnh nhân được tiến hành ngay kỹ thuật oxy hóa qua màng ngoài cơ thể hỗ trợ tuần hoàn (VA - ECMO) kết hợp thở máy xâm nhập và điều trị nội khoa tích cực.

Sau 6 ngày điều trị, chức năng co bóp của tim cải thiện, chỉ số phản ảnh tổn thương cơ tim giảm, các thông số chức năng sống và chức năng tim cải thiện, bệnh nhân được ngưng hỗ trợ VA – ECMO và cai thở máy.

Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, da môi hồng, uống được sữa, ăn được cháo, mạch, huyết áp ổn định, không còn thở oxy, chuẩn bị chuyển ra khỏi khoa Hồi sức tích cực- cấp cứu nhi, bệnh nhân sẽ được tiếp tục theo dõi tại khoa Nhi tim mạch và dự kiến sẽ được ra viện trong đầu tuần đến.

leftcenterrightdel
 Bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch và đang hồi phục sức khỏe.

Theo GS. TS. Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, hiện nay VA - ECMO là kỹ thuật hỗ trợ tim và phổi giúp cứu sống cho rất nhiều bệnh nhân nguy kịch, không đáp ứng với các điều trị thông thường, giúp tim và phổi nghỉ ngơi và chờ thời gian hồi phục.

Đây là trường hợp đầu tiên triển khai kỹ thuật ECMO tại Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế cùng với sự phối hợp với đội ngũ chuyên gia ECMO của Bệnh viện. Từ ca bệnh này, đơn vị hoàn thiện về kỹ thuật hồi sức bệnh nhi và nâng cao năng lực chuyên môn, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị các bệnh nhi nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Trung ương Huế.

Đắc Đức - Xuân Nha