|
|
Bác sĩ Bệnh viện E thăm khám cho bệnh nhân. |
Theo TS.BS Nguyễn Đình Liên, Trưởng khoa Phẫu thuật Thận tiết niệu & Nam học, Bệnh viện E, người bệnh nhập viện trong tình trạng đau dữ dội vùng thắt lưng, bụng chướng, tiểu buốt, tiểu ra máu…
Người bệnh được các bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm, siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính và xác định, người bệnh bị sỏi niệu quản phải 1/3 dưới (nằm ở vị trí đoạn nối của niệu quản khi vào tới bàng quang), sỏi kích thước xấp xỉ 9x7mm. Bất ngờ hơn, kết quả chụp CT các bác sĩ phát hiện người bệnh có thận niệu quản đôi hoàn toàn hai bên trái, phải và hai niệu quản riêng biệt đều cắm xuống bàng quang. Người bệnh có bất thường về giải phẫu hệ tiết niệu, có nhiều đơn vị thận hơn bình thường là một trong những nguyên nhân hình thành sỏi thận.
Khai thác tiền sử bệnh án, do tính chất công việc người bệnh thường xuyên phải uống rượu bia, nhưng mỗi lần uống rượu thì người bệnh đau quặn từng cơn, thậm chí tiểu ra máu nên đã tự mua thuốc điều trị tại nhà. Gần đây, các triệu chứng đau do sỏi thận ngày càng tăng và dữ dội hơn, người bệnh đã đến Bệnh viện E để thăm khám và điều trị.
Được biết, trước đây bệnh nhân đi tầm soát hệ tiết niệu thì phát hiện anh bất thường khi có tận 4 quả thận trong cơ thể.
Bình thường mầm niệu quản phát triển thành một quả thận và người bình thường chỉ có hai quả thận. Tuy nhiên, có một số ít người, một mầm niệu quản thay vì phát triển thành hai quả thận lại phát triển thành 4 quả thận như trường hợp của người bệnh này là cực kỳ hiếm gặp, đến nay y văn thế giới ghi nhận chưa nhiều. Rất may, cho người bệnh là 4 quả thận và 2 niệu quản riêng biệt đều cắm đúng vị trí bàng quang nên loại trừ được nhiều biến chứng nguy hiểm khác trong cơ thể.
TS.BS Nguyễn Đình Liên chia sẻ, cái khó của ca bệnh này chính là do người bệnh có nhiều thận hơn so với người bình thường, bị sỏi thận và tự điều trị khá lâu nhưng không hiệu quả nên hình thành viêm, phù nề ở vị trí lỗ niệu quản. Người bệnh có 4 lỗ niệu quản, 2 lỗ niệu quản phải và 2 lỗ niệu quản trái, trong đó lỗ niệu quản phải của đơn vị thận dưới đổ gần cổ bàng quang, lỗ niệu quản trái của đơn vị thận trái viêm phù nề nhiều, gây khó khăn cho các bác sĩ khi tìm lỗ niệu quản để tiếp cận trực tiếp viên sỏi.
Do đó, các bác sĩ lựa chọn phương án can thiệp bằng phương pháp nội soi ngược dòng tán sỏi niệu quản – sỏi thận bằng laser.
Bác sĩ khuyến cáo, khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như đau xuất hiện ở thắt lưng lan ra trước xuống bụng dưới, vùng bẹn bìu và mặt trong đùi, cơn đau thường xuất hiện đột ngột sau chơi thể thao hoặc lao động nặng; sốt và ớn lạnh; buồn nôn hoặc nôn; rối loạn đi tiểu như: tiểu thường xuyên hơn so với bình thường, nước tiểu có màu đỏ, hồng hoặc nâu, nước tiểu đục có mùi hôi… người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để điều trị kịp thời.