Mọi người có thể bị đau lưng. Tuy nhiên, người cao tuổi (NCT) dễ mắc chứng đau hơn rất nhiều so với người trẻ tuổi. Đau lưng chỉ là một triệu chứng nhưng gây không ít phiền toái cho người bệnh.
Nguyên nhân
Đau lưng có hai loại nguyên nhân cơ bản sau đây: do tác động cơ học và do hiện tượng viêm.
- Đau lưng do tác động cơ học: đây là loại đau lưng hay gặp ở lứa tuổi đã trưởng thành và đặc biệt là NCT như: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, gai đôi cột sống... Thoái hóa cột sống thường hay xảy ra ở vị trí sụn khớp và đĩa đệm, bởi hiện tượng trọng lực của cơ thể quá nặng tác động hàng ngày lên cột sống và cả tác động của trọng lực đè lên vai gáy rồi tác động xuống hệ thống đốt sống (ví dụ như ngồi làm việc nhiều giờ không vận động). Khi cột sống bị thoái hóa, triệu chứng đau lưng được thể hiện khá sớm và cũng chính vì có hiện tượng đau lưng rất khó chịu mà buộc người bệnh phải đi khám. Ngoài các nguyên nhân do thoái hóa cột sống còn có những nguyên nhân thuộc về cơ học như mang vác nặng, thay đổi tư thế đột ngột hoặc bưng, bê không cân xứng...
- Đau lưng do hiện tượng viêm: trong các nguyên nhân gây viêm có thể xảy ra ngay tại cột sống như: viêm đĩa đệm, lao cột sống, ung thư cột sống, viêm khớp cùng chậu... Cũng có nhiều trường hợp đau lưng nhưng lại do viêm nhiễm ở một cơ quan khác trong cơ thể như: viêm phần phụ ở nữ giới (viêm tiểu khung, viêm buồng trứng...), viêm dạ dày - tá tràng, viêm đường tiết niết niệu (do sỏi hoặc do vi khuẩn)... Các loại bệnh kiểu như thế này thường gây đau lưng một cách âm ỉ và đau lưng cùng một lúc với các triệu chứng chính của bệnh (ví dụ như người bị đau dạ dày, sỏi tiết niệu). Những nguyên nhân này cũng thường gặp ở NCT nhiều hơn người còn trẻ tuổi.
Tìm nguyên nhân
Đau lưng chỉ là một triệu chứng mà nhiều bệnh có biểu hiện bằng triệu chứng đau lưng. Trước hết người bị đau lưng nên tự xem xét bản thân mình đau lưng có từ bao giờ và có những hiện tượng gì liên quan đến đau lưng hay không? Ví dụ hay đau lưng vào thời gian nào trong ngày, đau có liên tục không, cơn đau có dữ dội hay âm ỉ, ngoài đau lưng còn có triệu chứng nào liên quan mật thiết với đau lưng như: tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu són, nước tiểu có máu, nước tiểu đục hoặc sau mang vác nặng; bưng bê vật nặng, sai tư thế (nhất là NCT hay chăm sóc cây cảnh bưng bê chậu cảnh sai tư thế, quá nặng...); đau lưng có liên quan đến đau dạ dày hay không; đau lưng ở đoạn nào (phía trên hay vùng thắt lưng); đau có lan ra các vùng xung quanh hay không? Có thể tự tìm thấy một số dấu hiệu hoặc hiện tượng có khả nghi nhưng không nên tự mình chẩn đoán bệnh cho mình hoặc người thân khi không có chuyên môn thực sự về y.
Điều quan trọng nhất của việc tìm nguyên nhân gây đau lưng là đi khám bệnh ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện và trang thiết bị chẩn đoán. Khi đến khám bệnh cần nghe rõ thầy thuốc hỏi những gì và cần nói rõ cho thầy thuốc biết những hiện tượng đau lưng và các biểu hiện kèm theo như vừa nêu ở phần trên. Tại phòng khám, bác sĩ sẽ khám cho người bệnh và cho làm các xét nghiệm có liên quan mà bác sĩ thấy cần thiết, ví dụ như nghi thoái hóa cột sống, lồi đĩa đệm thì có thể cho chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ; khi nghi do sỏi đường tiết niệu ngoài chụp X-quang ổ bụng, thầy thuốc sẽ cho siêu âm hệ thống niệu (thận, niệu quản, bàng quang), làm xét nghiệm về nước tiểu...
Có khá nhiều trường hợp khi tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khắc phục thích hợp thì đau lưng cũng dần dần sẽ khỏi, ví dụ như: ngồi sai tư thế, bưng bê vật nặng không cân xứng trọng lực giữa hai tay và hai chân hoặc các trường hợp đau lưng do ngồi sai tư thế, do ngồi quá nhiều giờ liền như đối với lái xe, cán bộ văn phòng.
Khi bị đau lưng nên làm gì?
Khi biết rõ nguyên nhân gây đau lưng, thầy thuốc sẽ có chỉ định cụ thể trong điều trị, ví dụ thấy sỏi đường tiết niệu có thể dùng các kỹ thuật thích hợp để tán sỏi hay mổ lấy sỏi. Trên cơ sở khám lâm sàng, kết quả các xét nghiệm và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ kết luận và cho hướng điều trị thích hợp.... Tuy vậy, cũng có nhiều trường hợp mặc dù biết rõ căn nguyên nhưng giải quyết triệt để căn nguyên đó không phải đơn giản trong ngày một, ngày hai, ví dụ như thoái hóa cột sống, lồi đĩa đệm. Khi biết rõ nguyên nhân gây đau lưng cần tìm mọi cách để giải quyết nguyên nhân và sau khi đã điều trị khỏi chứng đau lưng thì không nên để tái phát nguyên nhân đó, bởi vì nếu để tái phát đau lưng còn tăng hơn nhiều lần so với trước.
Ngoài ra, các việc làm khác hỗ trợ cũng rất cần thiết như tập thể dục nhẹ nhàng tùy theo sức mình và bệnh của mình, ví dụ như thoát vị đĩa đệm thì không thể tập thể dục như các bệnh khác được, cần phải tuân theo lời, tư vấn của bác sĩ điều trị (ví dụ như phải đi bộ trên nền phẳng không đi xe đạp, xe máy, ô tô những nơi gây xóc, mấp mô, nhiều ổ gà...). Các động tác đi bộ hoặc tập thể dục cho người thoái hóa cột sống cũng rất cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.
Việc dùng thuốc để điều trị căn nguyên gây đau lưng không phải tùy tiện mà cần tuân thủ y lệnh của bác sĩ một cách tuyệt đối. Tuyệt đối không được tự mua thuốc để điều trị hoặc cùng một lúc cả thuốc Tây y cả thuốc Đông y. Trong điều kiện cho phép có thể điều trị Đông - Tây y kết hợp, ví dụ như: uống thuốc Tây y kết hợp xoa bóp, châm cứu, bấm huyệt hoặc vật lý liệu pháp. NCT cũng đừng quên đi khám bệnh định kỳ để được theo dõi bệnh một cách liên tục đề phòng bệnh đau lưng tái phát.
Theo SK&ĐS