Kế hoạch hóa gia đình không phải việc riêng của chị em!
Cập nhật lúc 23:19, Thứ ba, 25/11/2014 (GMT+7)
Pháp luật đã quy định vợ chồng đều có nghĩa vụ bình đẳng trong việc kế hoạch hóa gia đình, tuy nhiên, trong nhiều gia đình, người vợ vẫn chịu nhiều áp lực trong vấn đề này, còn người chồng dường như vẫn đứng ngoài cuộc. (kế hoạch hóa, gia đình, vợ chồng)
Pháp luật đã quy định vợ chồng đều có nghĩa vụ bình đẳng trong việc kế hoạch hóa gia đình, tuy nhiên, trong nhiều gia đình, người vợ vẫn chịu nhiều áp lực trong vấn đề này, còn người chồng dường như vẫn đứng ngoài cuộc.
Chuyện ấy là… của “bả”!
Hiện nay, không ít người chồng vẫn coi việc sinh đẻ hay kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là trách nhiệm của vợ. Bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh cho biết, số nam giới thực hiện các biện pháp KHHGĐ bằng thủ thuật như thắt ống dẫn tinh rất hiếm hoi, trong khi kỹ thuật này đối với nam giới khá đơn giản, ít gây tổn thương và biến chứng hơn so với việc thắt ống dẫn trứng ở phụ nữ. Ngay cả việc sử dụng bao cao su cũng bị nhiều đức ông chồng từ chối với lý do không thích và buộc người vợ phải sử dụng thuốc uống hoặc tiêm, đặt vòng tránh thai với nhiều nguy cơ tác dụng phụ hơn.
Bác sĩ Khoa cho biết thêm, các đợt tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số-KHHGĐ cũng rất thưa vắng “cánh mày râu” tham gia. Vì vậy, muốn tiếp cận nam giới, cán bộ làm công tác dân số-KHHGĐ lại phải tìm cách khác, ví dụ như lồng ghép trong sinh hoạt CLB hoặc thông qua tờ rơi phát tận nhà…
Đã không quan tâm đến các biện pháp tránh thai, nhiều người chồng hoặc gia đình chồng còn ép buộc vợ phải sinh con theo ý muốn của mình. Trường hợp của chị T.H ở TP. Vũng Tàu là một ví dụ. Sau khi sinh đứa con đầu lòng là con gái, chị T.H bị chồng và gia đình chồng ra “yêu sách” phải sinh bằng được con thứ 2 là con trai. Không chỉ vậy, ngay cả những gia đình đã có đủ “nếp, tẻ” hoặc đã đông con thì việc thực hiện các biện pháp KHHGĐ cũng lại đến “phần” của vợ.
Để “các ổng” không đứng ngoài cuộc
Pháp luật đã hướng tới hướng việc vợ chồng bình đẳng trong thực hiện KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Sinh đẻ có kế hoạch là nghĩa vụ chung của cả hai vợ chồng trong việc thực hiện chính sách dân số của Nhà nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, vai trò của người vợ và chồng trong gia đình đã được đưa vào điều luật bình đẳng giới. Luật quy định vợ chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi quyết định các vấn đề trong gia đình, trong đó có cả quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp KHHGĐ phù hợp, sử dụng thời gian nghỉ chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật... Do đó, người chồng không có quyền ép buộc hay ra yêu cầu buộc vợ phải sinh con theo ý muốn của mình; hay sử dụng các biện pháp tránh thai mà người vợ không muốn (hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người vợ).
Gần đây trên địa bàn tỉnh, nam giới đã tham gia và chia sẻ nhiều hơn với phụ nữ về các biện pháp tránh thai. Theo bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, để phát huy quyền và nghĩa vụ của vợ chồng trong việc thực hiện kế hoạch hóa và chăm sóc sức khỏe sinh sản, cần có sự tham gia tổ chức thực thi, giám sát của các cơ quan chức năng, các tổ chức chính trị-xã hội... Trong các chương trình dân số-KHHGĐ cần có những hoạt động thiết thực để có thể lôi kéo “cánh mày râu” tham gia, qua đó nâng cao nhận thức của người chồng trong việc chia sẻ, gách vác trách nhiệm và không tạo áp lực về sinh con, đẻ cái với vợ.
Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
.