Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết hiện ngành y tế TP HCM điều trị cho 35.228 bệnh nhân, gồm những người có kết quả xét nghiệm RT-PCR và test nhanh dương tính. Trong đó, 492 F0 có diễn biến nặng đang thở máy và 9 bệnh nhân được can thiệp ECMO.

leftcenterrightdel
 Nhiều bệnh nhân nặng đã chuyển nhẹ.

Theo BS.CK2 Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, quá trình điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 diễn tiến nguy kịch, phải đặt ECMO (tim phổi nhân tạo) để duy trì sự sống, nhiều bệnh nhân nặng đã chuyển nhẹ.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nam 45 tuổi tên H.C.C (BN11630). Đây là bệnh nhân có thể trạng béo phì (cân nặng 140kg), tăng huyết áp. Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi từ ngày 21/6 với chẩn đoán viêm phổi nặng, ARDS do SARS-CoV-2, tổn thương thận cấp. Bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng, suy hô hấp phải đặt nội khí quản, thở máy, trụy tim mạch...

Trước những diễn tiến nguy kịch của bệnh nhân, ê-kíp bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành hội chẩn và lập tức đến Bệnh viện điều trị COVID-19 Củ Chi thực hiện đặt ECMO cấp cứu cho bệnh nhân trong đêm 22/6. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị.

Sau một tuần được hồi sức tích cực với lọc máu hấp phụ, sử dụng thuốc nâng huyết áp, kháng đông tích cực, IVIG, corticoid, ECMO và vật lý trị liệu, bệnh nhân đã dần bình phục. Đến ngày 28/6 bệnh nhân đã cai được ECMO, cai máy thở, rút nội khí quản và chuyển qua thở oxy dòng cao (HFNC).

Đến ngày 6/7, bệnh nhân đã tỉnh táo, vận động được tại giường, ăn uống qua miệng. Dù bệnh nhân vẫn còn phải thở oxy dòng cao do phổi còn hạn chế vì thể trạng béo phì, tuy nhiên tình trạng sức khỏe đang cải thiện dần.

Trường hợp thứ hai là một bệnh nhân nữ 44 tuổi tên N.T.X, với tiền căn là phẫu thuật bướu giáp, tăng huyết áp.

Bệnh nhân được xác định mắc COVID-19 vào ngày 14/6, nhập viện điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với tình trạng diễn tiến tổn thương phổi rất nặng, phải đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn và lọc máu liên tục.

Đến ngày 27/6, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có tình trạng tràn khí màng phổi phải. Sau đó bệnh nhân được dẫn lưu khí màng phổi, tuy nhiên oxy máu giảm nặng dù đã được cho thở máy chức năng cao. Ngay lập tức, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để thực hiện ECMO cấp cứu và chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Sau 5 ngày điều trị tích cực tại Bệnh viện Chợ Rẫy với ECMO, thở máy bảo vệ phổi, lọc máu hấp phụ, kháng đông tích cực, Corticoid, dinh dưỡng và vật lý trị liệu hô hấp, tình trạng của bệnh nhân đã được cải thiện, cai ECMO, ngưng thở máy, rút nội khí quản và chuyển qua thở oxy dòng cao ngày 1/7. Đến ngày 6/7, bệnh nhân tỉnh táo, sinh hiệu ổn định, thở oxy qua cannula mũi, tự ăn uống và sinh hoạt tại giường.

Ngoài ra, sau hơn một tháng điều trị trong tình trạng nguy kịch, phải đặt ECMO để duy trì sự sống, anh P.C.Đ, chiến sĩ Công an quận Tân Phú đã từng bước hồi phục, âm tính với SARS-CoV-2 và được xuất viện vào chiều 11/7.

Theo BS.CK2 Trần Thanh Linh, đây là bệnh nhân nhiễm COVID-19 với tình trạng diễn tiến nguy kịch không thua gì bệnh nhân 91 trước đây.

“Chúng tôi xem anh P.C.Đ không chỉ là một bệnh nhân mà còn là một đồng đội. Trong những ngày đi chống dịch, anh đã vô tình bị nhiễm bệnh. Anh đã trải nhiều tuần nguy kịch, phải đặt ECMO, thở máy, rất nhiều lần phải lọc máu, nhiều đợt nhiễm trùng và cũng có nhiều lúc chúng tôi tiên lượng khả năng cứu sống anh là không cao. Vì vậy, khi chứng kiến bệnh nhân P.C.Đ được xuất viện, đội ngũ điều trị chúng tôi rất vui mừng” BS.CK2 Trần Thanh Linh cho biết./.

Phi Sơn - Nguyễn Lánh