Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng não không được cung cấp máu do mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, sẽ gây liệt hoàn toàn hoặc một phần cơ thể. Đây là một tình trạng nguy hiểm, nhiều người không phát hiện được chứng đột quỵ, khiến thời gian điều trị bị chậm trễ, dẫn đến tàn tật, rơi vào hôn mê sâu, thậm chí là tử vong.

leftcenterrightdel
 Tỉ lệ đột quỵ hiện nay đang gia tăng và trẻ hóa. (Ảnh: LT)

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 17 triệu người bị đột quỵ. Trong đó, khoảng 5 triệu người tử vong và 5 triệu phải gánh chịu hậu quả thương tật vĩnh viễn do đột quỵ gây nên. Ở Việt Nam, mỗi năm ghi nhận thêm 200.000 ca bị đột quỵ mới và 11.000 ca tử vong do đột quỵ.

Tại Đà Nẵng, cuối năm 2022 và đầu năm 2023,  các cơ sở y tế tiếp nhận trường hợp  bệnh nhân đột quỵ tăng rất cao.  Cụ thể,  hơn 400 bệnh nhân ở mọi lứa tuổi đến từ các tỉnh thành miền Trung bị đột quỵ là con số mà Khoa Đột Quỵ Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận trong những tháng đầu năm 2023. Tỉ lệ bệnh nhân nặng, hôn mê, thở máy, cần can thiệp sâu chiếm từ 30 đến 40%. Bình quân mỗi tháng, trong số 150 -200 trường hợp đến Trung tâm Chẩn đoán y khoa kỹ thuật cao Thiện Nhân Đà Nẵng (gọi tắt là Thiện Nhân Đà Nẵng, TP Đà Nẵng) thực hiện tầm soát chuyên sâu nguy cơ đột quỵ não trên hệ thống máy MRI 3.0 Tesla Lumina thì có đến hàng chục trường hợp phát hiện có nguy cơ đột quỵ.

Theo bác sĩ Dương Quang Hải - Phó Trưởng khoa Đột quỵ Bệnh viện Đà Nẵng cho biết,  trước khi khởi phát, đột quỵ đã có một quá trình diễn biến âm thầm, kéo dài từ biến chứng của xơ vữa động mạch gây thiếu máu não. Khi mảng xơ vữa ngày càng dày, bong ra, kết hợp với các yếu tố hình thành cục huyết khối (máu đông) kẹt lại trong nhiều mạch máu não gây tắc, vỡ mạch dẫn đến đột quỵ. Đáng báo động, hiện nay không chỉ bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền mới bị đột quỵ mà rất nhiều người trẻ (dưới 40 tuổi) cũng mắc bệnh này, chiếm khoảng 20%.

Những trường hợp trẻ tuổi bị đột quỵ thường rơi vào những người có bệnh lý nền hoặc có dị dạng bẩm sinh như bất thường trong mạch máu não, bệnh lý tim mạch, bệnh lý máu khó đông. Ngoài ra, tỉ lệ người trẻ bị đột quỵ tăng cao còn do thói quen sinh hoạt  thiếu khoa học, không điều độ, lạm dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, ăn uống nhiều chất đạm, lười vận động,… Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết thay đổi đột ngột, đặc biệt vào thời điểm giao mùa, mùa lạnh, khiến mạch máu dễ co lại, làm tăng huyết áp cũng có nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

Ths.BS Đoàn Ngọc Phong – Trợ lý điều hành, bác sĩ Chuyên khoa Nội hô hấp Thiện Nhân Đà Nẵng cho biết đột quỵ não thường xảy ra bất ngờ, đột ngột, không có dấu hiệu báo trước, thường là trên cơ thể người đang khỏe mạnh, đang sinh hoạt, làm việc bình thường và không loại trừ bất cứ ai, đến khi có biểu hiện ra ngoài thì đã ở giai đoạn cuối. Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm để lại nhiều di chứng nặng nề. Nếu người bệnh được phát hiện và đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời thì khả năng hồi phục còn cao và ngược lại, nếu phát hiện, can thiệp muộn sẽ gây ra các tổn thương não, liệt tay, chân, khó vận động, thậm chí tử vong…

leftcenterrightdel
 Đột quỵ bây giờ hoàn toàn có thể tầm soát trước và kiểm soát được. (Ảnh: LT)

Bác sĩ Phong cũng khuyến cáo, để phòng, chống đột quỵ thì mọi người cần phải duy trì, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, tập thể dục, rèn luyện phù hợp. Khi thấy xuất hiện các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, các dấu hiệu như đột ngột rối loạn ngôn ngữ (không nói được hoặc ú ớ, kích thích la hét), yếu tay, yếu chân cùng một bên, méo miệng, đột ngột hôn mê và rối loạn ý thức… cần đến bệnh viện để khám, cấp cứu càng sớm càng tốt.

Đồng thời, điều lo ngại là tỉ lệ trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ ngày càng có chiều hướng gia tăng. Do đó, không chỉ đối với những bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ mắc các bệnh nền mà những người trẻ tuổi cũng cần chủ động kiểm tra sức khỏe để loại trừ các nguy cơ.

Hiện nay, nhờ những phương tiện chẩn đoán đặc biệt, nhất là MRI não có thể giúp đánh giá được tình trạng mạch máu não và phát hiện sớm các phình mạch não. Cho nên, có thể nói, đột quỵ bây giờ hoàn toàn có thể tầm soát trước và kiểm soát được.  Trong đó việc thiết lập lối sống lành mạnh là cách tốt nhất giúp bảo vệ sức khỏe, đồng thời tầm soát sớm đột quỵ não để kịp thời xử lý đẩy lùi bệnh tật và tránh những biến chứng nguy hiểm. Việc tầm soát các nguy cơ gây đột quỵ sẽ giúp người bệnh có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, vừa giảm chi phí điều trị vừa không để dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

 
L.T