Ngày 14/8, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành quyết định áp dụng bổ sung và điều chỉnh một số biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19 tại thành phố.

Theo đó, kể từ 8h ngày 16/8 đến 8h ngày 23/8, (tức 7 ngày) Đà Nẵng dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn, yêu cầu mọi người dân tuyệt đối không được ra khỏi nhà, nơi đang cư trú, "ai ở đâu thì ở đó", không được di chuyển đi lại ngoài đường. Đồng thời, thực hiện tuyệt đối nhà cách ly với nhà; mọi người không được di chuyển ra, vào thành phố, trừ những người được phép tham gia và các hoạt động được quy định.

leftcenterrightdel
 Từ 8h 00 phút ngày 16/8/2021 đến 8h 00 phút ngày 23/8/2021 người dân Đà Nẵng tuyệt đối không được ra khỏi nhà, nơi đang cư trú, “ai ở đâu thì ở đó” . Ảnh: Đình Tăng

Tại cuộc họp tối 14/8, bà Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, tình hình diễn biến của dịch COVID-19 tại Đà Nẵng đang diễn biến rất phức tạp. Việc TP đưa cột mốc 7 ngày là tăng cường biện pháp mạnh trong việc thực hiện Chỉ thị 16, đồng nghĩa với việc áp dụng thêm biện pháp mạnh, cao hơn Chỉ thị 16. Trong 7 ngày tới, thành phố sẽ tiến hành xét nghiệm trên diện rộng cho người dân nhằm phát hiện sớm F0, đưa F0 ra khỏi cộng đồng. Bà Yến cũng cho hay, sau 7 ngày chưa hẳn đã chuyển về trạng thái mới, mà vẫn phải thực hiện tiếp theo các biện pháp của chỉ thị 16.

Cũng theo giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, do chủng mới vi rút rất nguy hiểm, nên trong 7 ngày thực hiện quyết định của thành phố, ngành y tế sẽ xét nghiệm cho người dân theo hộ gia đình, bởi với với chủng mới vi rút này, chỉ cần một người trong hộ bị thì cả gia đình bị lây nhiễm. “Lần này, thành phố quyết tâm không sót bất kỳ hộ dân nào không được lấy mẫu xét nghiệm. Cụ thể, 7 ngày thực hiện quyết định, sẽ có 300.000 người được xét nghiệm 2 lần/người (tức xét nghiệm 600.000 người)”, bà Yến nói. 

Tương tự ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cũng cho hay, hiện dịch bệnh đang rất phức tạp, khó lường, số ca F0 cũng giao động thất thường, nhất là những chuỗi lây nhiễm cao. Đà Nẵng được Chính phủ giao nhiệm vụ phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 25/8, vì vậy, thành phố quyết định triển khai biện pháp “7 ngày” để hạn chế người ra đường. Trong 7 ngày thực hiện quyết định của thành phố, chỉ có khoảng 10 đến 15 ngàn người được phép ra đường. Cũng vì đó, chốt kiểm soát phòng chống dịch cũng sẽ ít lại.

Nói về biện pháp mạnh này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - Nguyễn Văn Quảng cho rằng, thành phố áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn là quyết định rất cần thiết và phù hợp với thực tiễn. Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đây là việc chưa có tiền lệ mà Đà Nẵng triển khai nên khối lượng công việc trong 7 ngày tới là rất lớn. Đà Nẵng xác định 7 ngày tới là để cắt chuỗi lây nhiễm và bóc F0 ra khỏi cộng đồng chứ không phải chấm dứt chống dịch. 7 ngày tới không phải có thể tuyên bố hết dịch mà là để có những biện pháp phù hợp hơn trong công tác phòng chống dịch.

Để chuẩn bị cho 7 ngày phong tỏa toàn thành phố, theo bà Lê Thị Kim Phương - Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, phương án cung ứng hàng hóa, Sở đã có chuẩn bị, đang trình UBND TP, đang chờ Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 TP thông qua các biện pháp, sau đó Sở sẽ công khai các phương án. Để đảm bảo, trước hết Sở xác định cung ứng những mặt hàng thiết yếu, cơ bản như thịt, gạo, trứng, nước. Ngoài nguồn hàng hóa cung cấp từ các trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị lớn nhỏ; các doanh nghiệp cung ứng hàng, số lượng rau, củ, quả cũng sẽ đáp ứng cho người dân khoảng 1.500 tấn/ngày.

Xuân Nha