(BVPL) - Chỉ vì những vết thương nhỏ tưởng chừng vô hại như bị dằm, xương cá, mảnh vỡ đâm vào cơ thể, nhiều người thường chủ quan mà tự xử lý ở nhà. Nếu không xử lý đúng cách, vết thương dù nhỏ nhưng vẫn có thể gây nhiễm trùng, uốn ván. Căn bệnh tưởng như đã được ngăn chặn nhưng thời gian gần đây đã quay trở lại và gây họa cho rất nhiều người.
 
 
Chích ngừa uốn ván cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Hình minh họa
Chích ngừa uốn ván cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Hình minh họa
 
Thời gian gần đây, các bệnh viện lớn đã nhận về khá nhiều bệnh nhân mà trong số đó có tới gần một nửa ca bệnh đã được bác sĩ xác định là mắc chứng uốn ván với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Đối với những người nhiễm bệnh nhẹ thì thời gian điều trị rơi vào khoảng nửa tháng, nhưng đối với những người mắc bệnh nặng thì phải điều trị thở máy kết hợp kháng sinh, tuy vậy, nguy cơ tử vong của căn bệnh này vẫn rất cao.
 
Từ thực tế đang diễn ra, Bác sĩ Thành Nguyên cho biết, đa số trường hợp nhiễm uốn ván đang điều trị đều là bệnh nhân được chuyển đến từ các tỉnh, huyện - nơi đời sống còn nhiều khó khăn, người dân chưa được tiếp cận nhiều với các dịch vụ y tế. Thời gian trước đây, số ca bệnh xuất hiện lẻ tẻ thì hiện nay số người mắc bệnh nhập viện đang có chiều hướng tăng nhiều. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động trong công tác dự phòng tại các địa phương.
 
 
Không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng nên cẩn trọng với căn bệnh uốn ván. Hình minh họa
Không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng nên cẩn trọng với căn bệnh uốn ván. Hình minh họa

 

 
Được biết, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani ) gây ra. Thời gian ủ bệnh từ 4 - 21 ngày. Trực khuẩn này phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ, xuất hiện các cơn co giật.
 
Đặc biệt, nếu như nhiễm bệnh quá nặng có thể dẫn đến tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngưng tim. Trước đây, bệnh có tỷ lệ tử vong cao, hiện nay các phương pháp điều trị đã phát triển và giúp cho đa số bệnh nhân qua được nguy kịch, tuy nhiên, điều bất cập đó là chi phí điều trị cho bệnh này khá tốn kém (trung bình từ 40 đến 60 triệu đồng).
 
Khuyến cáo từ bác sĩ cho biết căn bệnh uốn ván này đã có vắc xin dự phòng, để tránh nguy cơ nhiễm, tất cả mọi người dân nên đi chích ngừa. Đặc biệt những người có vết thương hở, phụ nữ mang thai và người già thường hay có nguy cơ nhiễm bệnh cao, cần chủ động chủng ngừa sớm. Liệu trình chích ngừa uốn ván thường chia thành 3 liều, sau khi chích mũi thứ nhất, cách 1 tháng bệnh nhân chích mũi thứ 2, cách 6 tháng bệnh nhân chích mũi thứ 3, chích nhắc lại từ 3 đến 5 năm một lần.
 
Thùy Hương (t/h)
 
.