Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, các ý kiến cho rằng, nhu cầu chuyển đổi giới tính là quyền của con người, nhưng cần có thời gian xem xét, nghiên cứu kỹ hơn từ thực tế. Vì thế, thống nhất chưa cho phép chuyển đổi giới tính nhưng cũng không cấm.
 
 
“Đó là những sự thật đang xảy ra. Nhà nước cấm hay không thừa nhận thì nó vẫn xảy ra. Tôi nghĩ, điều này liên quan đến quyền được chăm sóc sức khỏe của con người: Muốn thay đổi thì không được hoặc khi phẫu thuật có biến chứng cần được chăm sóc lại không được chăm sóc. Nhà nước nên cho phép. Hiện chưa cho phép vì chưa hiểu thực sự nó như thế nào”, ông Bình chia sẻ.
 
Điều đáng nói nữa là mặc dù luật pháp trong nước không cho phép nhưng người chuyển giới vẫn ra nước ngoài để thỏa mãn khao khát được sống với giới tính thật của mình. Họ chỉ đạt được mong muốn về mặt sinh học chứ khi về nước họ gặp vô vàn những khó khăn trong quan hệ dân sự. Bạn Trần Anh Vũ (tức An Vi), 23 tuổi ở Kiên Giang  là một người chuyển giới nữ tâm sự: Trải qua quá trình sử dụng hoóc-môn để biến đổi giới tính với cảm giác “đau lắm, xót lắm, nhưng vì muốn trở thành con gái nên tôi chấp nhận” và kèm thêm sử dụng thuốc ngừa thai với liều lượng cao  để mau nữ tính hơn. Sau quá trình sử dụng thuốc, cơ thể tôi thay đổi, tôi mừng lắm-nước mắt rơi trong hạnh phúc…
 
Mặc dù được gia đình ủng hộ, đồng nghiệp không phân biệt kỳ thị nhưng Anh Vũ lại gặp khó khăn trên giấy tờ. “Tôi thấy đây là vấn đề cần giải quyết trước nhất. Cái tên sẽ giúp chúng tôi tự tin hơn khi giao tiếp, khi xin việc, đến những nơi như ngân hàng, BV, sân bay sẽ dễ cho chúng tôi hơn. Khi đến những nơi đó nhiều người cứ thắc mắc ở ngoài là nữ sao chứng minh thư lại tên con trai, nhiều khi bị làm khó trên mặt giấy tờ, vì vậy cái tên tôi nghĩ vẫn là cái cần nhất… Việc đổi lại giới tính cũng cần thiết, vì khi đó chúng tôi mới được là chính mình, từ hình thức bên ngoài cho đến giấy tờ pháp lí”. 
 
Theo nghiên cứu của iSEE, cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) vẫn phải đối mặt với những định kiến và kỳ thị ở gia đình, trường học và nơi làm việc. Kết quả khảo sát trên hơn 3.000 người LGBT do Trung tâm ICS và iSEE tiến hành năm 2014 cho thấy, 39% bị kỳ thị trong gia đình, chủ yếu bị mắng chửi (22,8%), hoặc bị đuổi ra khỏi nhà (4,6%); 44% bị kỳ thị trong trường học, chủ yếu bị bạn bè trêu ghẹo, bị ép buộc cách ăn mặc, hoặc bị gọi phụ huynh đến. Trong môi trường công việc, 21% đã từng bị kỳ thị; tỉ lệ này cao đặc biệt trong nhóm chuyển giới, với 68% đã bị kỳ thị, bao gồm cả các trường hợp nghiêm trọng như cho thôi việc.
 
Do việc chuyển giới bị nghiêm cấm nên người chuyển giới đang phải đối mặt với nhiều rủi ro về sức khỏe, tính mạng, và bất bình đẳng trong giao dịch dân sự. Theo kết quả khảo sát của ICS và iSEE, 53,3% người chuyển giới tham gia nghiên cứu tự mua hoóc-môn ở Việt Nam, 30% thực hiện phẫu thuật ở nước ngoài, 33% phẫu thuật một phần ở Việt Nam, một phần ở nước ngoài, hoặc hoàn toàn ở Việt Nam. 
 
Từ những thực tế trên, ông Bình đề xuất, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cần hợp pháp hóa việc chuyển giới ở Việt Nam nhằm bảo vệ quyền cũng như sức khỏe của người chuyển giới. Luật Dân sự cần quy định “cá nhân là người thành niên có quyền chuyển giới theo quy định của pháp luật”; đồng thời, giao cho Chính phủ phát triển một nghị định riêng cho việc chuyển giới, đảm bảo quy trình tư vấn tâm lý, pháp lý và dịch vụ y tế tốt nhất cho người chuyển giới. Bên cạnh đó, Luật Dân sự cũng cần cho phép người chuyển giới thay đổi giới tính và họ tên trên giấy tờ tùy thân để đảm bảo bình đẳng trong giao dịch dân sự cho họ.
 
Theo PL&XH
.