Trước đó, tối ngày 10/4, ông T.T. (SN 1972, trú tỉnh Quảng Ngãi) đã được bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi chuyển cấp cứu đến bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng suy hô hấp, trụy tim mạch. Trước đó 3-5 ngày, bệnh nhân có biểu hiện mệt và tức ngực. Ngoài ra, bệnh nhân không có tiền sử gì đặc biệt.
Tại phòng cấp cứu - bệnh viện Đà Nẵng, bệnh nhân được cấp cứu hồi sức tim phổi. Sau khi làm các xét nghiệm, bệnh được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp, biến chứng hở van 2 lá cấp, phù phổi cấp, trụy tim mạch.
Mặc dù được điều trị hồi sức nội khoa tích cực nhưng sau 24h tình trạng huyết động và hô hấp của người bệnh vẫn xu hướng xấu dần. Vì vậy bệnh được hội chẩn và chỉ định mổ cấp cứu.
Các ekip phẫu thuật và hồi sức của khoa Ngoại tim mạch, Gây mê hồi sức và Hồi sức tích cực - chống độc đã tiến hành mổ bắc cầu động mạch chủ vành và thay van tim 2 lá nhân tạo cho bệnh nhân. Ngay sau mổ, dù chức năng tim được đánh giá trong giới hạn bình thường nhưng tình trạng phổi của người bệnh tiến triển nặng, đông đặc hai bên, giảm oxy hoá máu nặng kèm liệt mạch, phải dùng các loại thuốc vận mạch liều tối đa. Bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp điều trị nội khoa thở máy, lọc máu hấp phụ, vận mạch... Do đó bệnh nhân tiếp tục được chỉ định thực hiện VV-ECMO (ECMO phổi) và lọc máu liên tục.
|
|
Bệnh viện Đà Nẵng vừa cấp cứu thành công nam bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp biến chứng hoại tử đứt cơ nhú gây hở van 2 lá cấp. (ảnh: BV cung cấp) |
Sau mổ 3 ngày, phổi bệnh nhân bắt đầu phục hồi hoạt động nên đã được kết thúc ECMO và ngừng lọc máu. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đang tiến triển tốt dần. Bệnh tỉnh táo, huyết động ổn định, tiếp xúc tốt.
Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Hải - Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đây là trường hợp nhồi máu cơ tim cấp gây biến chứng hoại tử đứt cơ nhú, làm hở van tim 2 lá cấp (biến chứng rất nặng và ít gặp của nhồi máu cơ tim cấp), khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng choáng tim nặng, nguy cơ tử vong cao. Để cứu sống bệnh nhân cần phải kết hợp chặt chẽ giữa phẫu thuật sửa chữa triệt để các tổn thương tại tim (bắc cầu động mạch chủ vành, thay hoặc sửa van 2 lá) và thực hiện kỹ thuật hồi sức chuyên sâu (ECMO, lọc máu…).
Theo bác sĩ Hải, nhồi máu cơ tim cấp là một trong những bệnh cảnh nguy hiểm của hệ tim mạch với nguy cơ đột tử cao. Việc phát hiện và cấp cứu kịp thời sẽ giúp người bệnh hạn chế tối đa được các biến chứng xảy ra sau nhồi máu cũng như nguy cơ tử vong. Vì thế, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu bất thường như đột ngột khó thở, đau tức ngực...
“Bên cạnh đó, việc phòng bệnh có vai trò hết sức quan trọng. Mọi người nên có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên, kiểm tra sức khỏe định kỳ để theo dõi, phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường…”, bác sĩ Hải khuyến cáo.