Sử dụng hộp và chai nhựa đựng đồ ăn không đúng cách có thể kích thích giải phóng độc tố và gây ra bệnh ung thư.
Việc sử dụng, tái chế các loại hộp và chai nhựa không đúng cách trong một thời gian dài rất độc hại và có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh ung thư. Ở phía dưới đáy chai nước, hộp đựng thuốc hay thức ăn thường có ký hiệu hình tam giác với các mũi tên. Bên trong hình tam giác là một con số cụ thể. Bạn nên dựa vào các ký hiệu dưới chai nhựa để biết được đặc tính cũng như cách bảo quản để không làm hại đến sức khỏe.
|
Các ký hiệu trên đáy chai nhựa |
Số 1 có nghĩa là PET (nhựa polyethylene terephthalate). Loại này thường thấy ở chai đựng nước tinh khiết hoặc nước ép hoa quả. Loại nhựa này khi tái sử dụng nếu đựng nước nóng quá 70 độ sẽ biến dạng và phân giải ra các chất độc có hại cho sức khỏe. Các chuyên gia khuyến cáo, loại chai nhựa này không nên tái sử dụng trong thời gian dài vì nguy cơ tích lũy vi khuẩn và giải phóng chất độc hại
Số 2 có nghĩa là lượng HDPE - polyethylene có mật độ cao. Loại chai nhựa này thường dùng để đựng sữa, kem, dầu gội đầu và các sản phẩm làm sạch. Loại nhựa này có khả năng chịu nhiệt tới 110 độ C và có thể tái chế trong sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng các chai nhựa này để đựng thực phẩm vì khó làm sạch và các chất còn sót lại rất dễ trở thành ổ vi khuẩn.
Số 3 là nhựa PVC. PVC thường dùng để làm áo mưa, màng bọc thực phâm, ống dẫn nước. Nhựa này có đặc tính dẻo, giá rẻ và tan chảy ở 81 độ C. Không nên tái sử dụng các vật dụng làm bằng PVC để đựng thực phẩm vì trong loại nhựa này có chứa phthalates là nguy cơ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, trong đó có sẩy thai. Bên cạnh đó, nó còn chứa deha có thể gây ung thư nếu tiếp xúc lâu dài. Không dùng loại nhựa này để bọc hoặc bảo quản thức ăn nóng hoặc dùng khi đưa vào lò vi sóng.
Số 4 là LDPE - polyethylene mật độ thấp. LDPE khá phổ biến trong các hộp mì và vỏ đồ ăn vặt. Sản phẩm chứa chất này khi ở nhiệt độ cao sẽ giải phóng hóa chất nên không được dùng để hâm nóng thức ăn trong lò vi sóng. Vì vậy, bạn không nên dùng lò vi sóng để nấu mỳ hộp.
Số 5 là PP (nhựa polypropylene). Loại nhựa này thường thấy ở vỏ hộp sữa chua, chai nước sốt cà chua, chai thuốc, chai siro… PP có thể dùng để tái chế trong sản xuất công nghiệp nhưng không được khuyến cáo tái sử dụng đựng thực phẩm.
Số 6 là chất PS (polystiren). PS thường có ở các hộp mỳ ăn liền, hộp đựng đồ ăn nhanh. Dù chúng có khả năng chịu nhiệt và lạnh cao, nhưng PS không được khuyến khích dùng để đun nóng vì loại nhựa này có thể giải phóng nhiều chất độc hại ở nhiệt độ cao. Vì vậy, bạn không nên nấu mỳ hộp bằng lò vi sóng.
Số 7 là các loại nhựa khác được tạo nên từ việc kết hợp nhiều loại nhựa khác nhau dùng để sản xuất chai đựng tương cà, hộp đựng các món ăn có thể quay trong lò vi sóng. Loại nhựa này ít khi dùng để tái chế vì chúng là sự kết hợp của nhiều loại nhựa khác nhau.
Theo Kiến thức