Thừa Thiên Huế: Ghi nhận trường hợp đầu tiên dương tính với SARS-CoV-2
Sở Y tế thừa Thiên Huế xác nhận, bệnh nhân nữ, 23 tuổi, từ Đà Nẵng về Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Theo đó, bệnh nhân 23 tuổi, làm việc tại một cơ sở thẩm mỹ viện và một phòng khám ở đường Điện Biên Phủ, Đà Nẵng. Lúc 13h, ngày 6/5/2021, bệnh nhân này đến khám tại Bệnh viện huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, được ghi nhận triệu chứng là sốt, ho khan, đau rát họng.
Ngay sau khi khám bệnh, Bệnh viện Phong Điền xác định đây là ca bệnh nghi ngờ nhiễm COVID-19 nên được đưa bệnh nhân vào khu cách ly của bệnh viện để theo dõi, xử lý và lấy mẫu xét nghiệm PCR gửi lên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế. Mẫu bệnh phẩm được gửi đến Bệnh viện Trung ương Huế và cho kết quả xác định ca bệnh dương tính SARS-CoV-2.
|
|
Ngày 7/5 Đà Nẵng đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm COVID - 19 cho tất cả nhân viên làm việc tại các cơ sở dịch vụ spa, massage, quán bar, vũ trường, karaoke... trên địa bàn thành phố. Ảnh: Thạch A. |
Liên quan đến công tác chống dịch COVID-19 tại Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Công văn số 3717/UBND-VH ngày 7/5/2021 yêu cầu tạm dừng hoạt động các nhà hàng, quán ăn trên tuyến Quốc lộ 1A trên địa bàn tỉnh để đảm bảo phòng dịch từ 12 giờ ngày 7/5. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thống nhất thành lập 5 Chốt kiểm soát y tế liên ngành tại Thị xã Hương Trà (đoạn trên quốc lộ 1A vào thành phố Huế), Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Ga Huế, thị xã Hương Thủy (đoạn trên quốc lộ 1A vào thành phố Huế), đường cao tốc La Sơn - Túy Loan đi qua huyện Nam Đông để kiểm soát công dân từ các tỉnh/thành khác vào tỉnh Thừa Thiên Huế, đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các cơ quan Trung ương trên địa bàn; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và các doanh nghiệp hạn chế cử cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi công tác ngoại tỉnh, đặc biệt là các địa phương đang có dịch như Hà Nội, Đà Nẵng, Hà Nam, Vĩnh Phúc...; trường hợp đã cử đi công tác ngoại tỉnh trở về địa phương bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định và chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như công tác khai báo cáo y tế đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động... trực thuộc quản lý.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng bổ sung danh mục tạm dừng hoạt động kinh doanh một số dịch vụ: Rạp chiếu phim, Pub beer, câu lạc bộ thể dục - thể thao trong nhà, khu vui chơi trẻ em; Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán cafe...) được phép hoạt động nhưng phải thực hiện giãn cách, giảm tối thiểu 50% công suất phục vụ, quét mã QR và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Đà Nẵng: Kích hoạt nhiều biện pháp chống dịch, người dân trở lại đi chợ “tem phiếu”
Trước tình hình dịch diễn ra khá phức tạp, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Lê Trung Chinh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị và cả hệ thống chính trị thành phố tập trung triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch.
Sở Công thương TP Đà Nẵng cũng vừa có công văn hướng dẫn UBND các quận, huyện, Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng kích hoạt lại phương án phân chia tần suất đi chợ cho người dân trên địa bàn thành phố theo hình thức đi chợ ngày chẵn, ngày lẻ. Theo đó, phương án phân chia tần suất đi chợ, cụ thể là mỗi hộ gia đình cứ 3 ngày thì đi chợ 1 lần; mỗi hộ gia đình sẽ được phát 5 thẻ vào chợ/15 ngày. Thẻ vào chợ có giá trị sử dụng 1 lần/1 chợ bất kỳ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thời gian thực hiện phương án đi chợ này bắt đầu từ ngày 8/5.
|
|
Trong đợt dịch bùng phát năm 2020, Đà Nẵng đã từng thực hiện phương án đi chợ "tem phiếu". Ảnh: Xuân Nha |
Về việc xử phạt các trường hợp vi phạm công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, từ ngày 4/5 đến 7/5, lực lượng chức năng đã xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm với số tiền 98 triệu đồng. Các hành vi bị xử phạt nhiều nhất là tụ tập đông người, không thực hiện cam kết tạm ngừng kinh doanh, vi phạm về cư trú, tệ nạn xã hội, không chấp hành cách ly, đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 và không đeo khẩu trang. Ngoài ra, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu hàng loạt sơ sở, quán hàng tạm dừng hoạt động để phòng dịch.
Quảng Nam: Một ca nghi nhiễm COVID-19 là nhân viên spa tại Đà Nẵng
Chiều ngày 8/5, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh Quảng Nam thông tin một trường hợp nghi nhiễm COVID-19 ghi nhận tại tỉnh này. Theo đó, trường hợp nghi nhiễm là nữ (20 tuổi, ngụ xã Ninh Phước, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) nhân viên Spa tại Thẩm mỹ viện quốc tế AMIDA tại Đà Nẵng. Người này ở trọ tại địa chỉ K325/25 Hùng Vương, Vĩnh Trung, Hải Châu, TP Đà Nẵng và làm việc tại thẩm mỹ viện quốc tế AMIDA (số 222 Phan Châu Trinh). Đây là F1 của BN 3131 được Bộ Y tế công bố mắc COVID-19 vào tối 7/5.
|
|
Một khu cách ly tại Quảng Nam. Ảnh: Trần Th. |
Quảng Ngãi: Một thị xã dừng hội nghị tiếp xúc cử tri để truy vết các ca F1
Thị xã Đức Phổ tỉnh Quảng vừa quyết định dừng tất các các Hội nghị tiếp xúc cử tri trên địa bàn để tập trung công tác truy vết khẩn cấp F1, F2 của bệnh nhân 3131. Bệnh nhân 3131 là nữ nhân viên văn phòng làm việc tại Thẩm mỹ việc Quốc tế Amida (TP Đà Nẵng).
Trong cuộc họp khẩn sáng 8/5, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 thị xã Đức Phổ nhận định tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường, BN 3131 từng đến thị xã Đức Phổ và di chuyển khá phức tạp. Vì vậy Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 thị xã Đức Phổ quyết định dừng tất các các Hội nghị tiếp xúc cử tri trên địa bàn để tập trung công tác truy vết khẩn cấp các trường hợp liên quan đến bệnh nhân 3131 nói trên.