|
|
Bác sĩ khuyến cáo về hội chứng hậu COVID-19 ở trẻ em. (Ảnh:MH) |
Thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 ở trẻ tăng nhanh, đáng nói, tại TP HCM và các tỉnh lân cận, số trẻ em mắc tăng nhanh hơn, nhiều lớp học đã phải chuyển sang học online. Phụ huynh lo lắng khi con trẻ bị mắc COVID-19 sẽ để lại nhiều hội chứng bệnh khác.
Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM cho biết, trường hợp bệnh nhi là em Nguyễn Trọng N. 12 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương, nhập viện tại bệnh viện Nhi Đồng 2 trong tình trạng sốt cao không giảm, qua thăm khám, các bác sĩ cho biết N. mắc hội chứng viêm đa hệ thống (viết tắt là MIS-C), bệnh cảnh hậu COVID-19.
Sau một thời gian nhập viện điều trị tại bệnh viện Nhi đồng 2, TP HCM, hiện em N. đã ổn định, xuất viện về nhà.
Trao đổi với PV, BS.CK1 Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Phó khoa Tim mạch, bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, một số trẻ sau khi nhiễm COVID-19 thì mắc Hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến COVID-19 (MIS-C). Đến nay, khoa Tim mạch đã tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 20 bệnh nhi liên quan đến MIS-C sau nhiễm COVID-19.
ThS.BS Lê Phan Kim Thoa – nguyên Phó Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 1, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM – cho biết: “Virus gây bệnh COVID-19 xâm nhập vào hô hấp nên đối với trẻ mắc COVID-19, biểu hiện qua đường hô hấp là rõ ràng nhất, trẻ sẽ có biểu hiện sốt kèm ho, nghẹt mũi, chảy mũi.
Theo bác sĩ Kim Thoa, triệu chứng hậu COVID-19 ở trẻ đa phần đều liên quan đến đường hô hấp như ho nhiều, ho kéo dài, cảm giác nặng ngực, hụt hơi, khó thở. Một số trẻ bị đau ngực, nhịp tim không đều, cảm giác mệt khi gắng sức do các bệnh lý liên quan đến tim mạch, thường gặp là viêm cơ tim. Ngoài ra trẻ cũng bị giảm sức chịu đựng về thể chất như dễ mệt hơn bình thường ngay cả khi không có bệnh lý ở tim và hô hấp và giảm sự tập trung, trẻ dễ quên hơn bình thường, đau đầu và viết chữ xấu hơn. Một số bé lớn có thể bị mất khứu giác, vị giác, ăn không ngon miệng kéo dài. Đặc biệt ở trẻ em, có thể mắc hội chứng viêm đa hệ thống sau khi nhiễm COVID-19. Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nặng, ảnh hưởng rất nhiều cơ quan trong cơ thể và có thể gây tử vong, trẻ cần phải được nhập viện sớm để điều trị.
ThS.BS Lê Phan Kim Thoa khuyến cáo, nếu trong gia đình có trẻ mắc COVID-19 thì tuyệt đối không được chủ quan ngay cả khi chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc kháng đông, kháng viêm chỉ được chỉ định sử dụng khi trẻ nhập viện, và thuốc kháng đông dành cho trẻ là dạng sử dụng đường chích không phải là thuốc uống của người lớn. Nếu cho trẻ sử dụng thuốc kháng đông dạng uống của người lớn thì “lợi bất cập hại”.
Sau khi trẻ khỏi bệnh, âm tính ít nhất 2-3 tuần, người nhà cần theo dõi sát, đi khám khi có các biểu hiện bất thường về thể chất hay tinh thần; và thậm chí là tiếp tục theo dõi đến tận 2-3 tháng sau đó.