Theo báo cáo của CDC Bắc Giang, ngày 7/7/2024, trường hợp M.T.B, 18 tuổi, tạm trú tại thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (thường trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu (đây là 1 trong 2 trường hợp có tiếp xúc gần với ca tử vong do bệnh bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An).

Qua điều tra dịch tễ, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An xác định có 2 trường hợp tiếp xúc gần đang tạm trú tại xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang là chị M.T.B và M.T.S.

Ngay sau khi nhận được thông báo, CDC Bắc Giang phối hợp Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa tiến hành giám sát, điều tra các trường hợp tiếp xúc gần, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm.

leftcenterrightdel
Vi khuẩn gây ra bệnh bạch hầu thường khu trú và làm thương tổn đường hô hấp trên (mũi, họng, thanh quản). 

Từ ngày 25 - 28/6, hai cô gái trên về Nghệ An thi tốt nghiệp THPT và ở cùng phòng với ca bệnh tử vong. Đến ngày 1/7, cả hai bắt xe từ huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An về huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang làm việc tại một quán karaoke ở thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh.

Đến ngày 5/7, khi biết thông tin bạn cùng phòng tử vong do bạch hầu, đồng thời có biểu hiện đau họng, cả hai chủ động ra hiệu thuốc mua kháng sinh uống. Sau đó, M.T.B có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu.

Trước tình hình trên, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang yêu cầu Giám đốc các đơn vị khẩn trương triển khai các nội dung sau:

Đối với Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa cần thực hiên cách ly ngay ca bệnh, thực hiện xử lý môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao; tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh, thực hiện cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính (mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24h và không quá 24h sau khi điều trị kháng sinh).

Đồng thời, điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định.

Phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm các thủ tục chuyển ngay ca bệnh trên lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (do hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không còn huyết thanh kháng độc tố bạch hầu); chuẩn bị đầy đủ khu vực cách ly, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch, sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh bạch hầu xảy ra.

Tăng cường tuyên truyền về các biện pháp, phòng chống bệnh bạch hầu, giám sát chặt chẽ các trường hợp đi, đến, về từ vùng đang có dịch; phát hiện sớm các ca nhiễm/nghi nhiễm, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý triệt để các trường hợp không để dịch bệnh bạch hầu lây lan ra diện rộng. 

Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị trong quá trình chẩn đoán, quản lý, điều trị ca bệnh bạch hầu. Đảm bảo đầy đủ các điều kiện sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu, điều trị các ca bệnh diễn biến nặng từ tuyến dưới chuyển lên…

H.P