Cơn bão số 3 cùng hoàn lưu của nó, đã gây ra nhiều đau thương, mất mát cho đồng bào các tỉnh phía Bắc, trong đó, tỉnh Lào Cai phải gánh chịu nhiều hậu quả tang thương, với những vụ sạt lở khủng khiếp, cuốn trôi nhiều nhà cửa và nhân mạng. Người dân cả nước đã lặng người đi khi tin nóng về vụ sạt lở ở Làng Nủ (huyện Bảo Yên), Nậm Tông (huyện Bắc Hà)… đổ về. Cả bản làng với hàng chục nóc nhà bị lũ quét san phẳng, cả trăm người chết và mất tích, nhiều bản làng bị cô lập.
|
|
Hàng nghìn nhà dân ở Lào Cai bị tàn phá, lũ quét sạch sau cơn bão số 3.
|
Lòng dân cả nước đồng loạt hướng về một hướng: Phía Bắc! Tình đoàn kết, tương thân tương ái cùng chung một điểm đến: Miền núi Phía Bắc! Không ai bảo ai, người dân cả nước cùng lên tiếng kêu gọi và hành động. Người góp công góp của, người góp tiền góp nhu yếu phẩm, tình quân dân như một khối hành động song song: Cứu hộ và cứu trợ đồng bào!
Đêm đó, tôi gọi điện cho đồng chí Ngô Anh Chiến – Phó Viện trưởng VKSND huyện Bắc Hà (Lào Cai) nắm qua tình hình. Anh Chiến bảo: "Tang thương lắm bạn, lũ quét, sạt lở khắp nơi. Chỉ mới ít thôn bản thông đường, nhưng vào cũng rất khó. Còn lại nhiều điểm sạt lở, cô lập khác, mọi người đang tìm cách vào".
|
|
Đồng chí Ngô Anh Chiến - Phó viện trưởng VKSND huyện Bắc Hà trong một lần cùng đoàn cứu trợ vào phát quà cho người dân bị thiệt hại.
|
Giọng anh Chiến khá gấp gáp, chỉ kịp gửi cho tôi báo cáo ban đầu về tổng hợp sơ bộ tình hình thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn huyện Bắc Hà. Những con số ám ảnh suốt đêm: gần 60 người chết và mất tích; gần 1.000 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó rất nhiều nhà dân bị san phẳng; gần 1.000 hộ với gần 4.000 nhân khẩu phải di chuyển đến điểm tập trung, sinh hoạt tại các điểm dã chiến.
|
|
Rất nhiều điểm ăn ở, sinh hoạt dã chiến được chính quyền dựng lên để tập trung người dân đến ở, đảm bảo an toàn.
|
Chúng tôi nhờ anh Ngô Quang Chiến cùng anh em VKSND huyện Bắc Hà kết nối với nơi khó khăn, thiệt hại nặng nề nhất, để đưa đoàn cứu trợ lên. Tôi cũng thông báo với anh Chiến: "Nhu yếu phẩm là nước mắm, xúc xích, dầu ăn. Còn tiền mặt chỉ có hơn 100 triệu đồng. Nên nhờ VKS Bắc Hà kết nối, làm sao để đến được với những hộ dân mất nhà cửa, có người chết, mất tích".
Đoàn chúng tôi đi, gần hết cao tốc Hà Nội – Lào Cai trời bắt đầu tối, Từ đây, theo điểm giao cắt ngang sang Phố Lu, vượt thêm gần 30 km đường đèo núi nữa mới đến thị trấn Bắc Hà. Con đường này có tên tỉnh lộ 153, với rất nhiều điểm sạt lở sau cơn bão số 3 vừa rồi.
Rất may, thời điểm chúng tôi lên đã có nhiều điểm sạt lở đã được khắc phục, chỉ còn duy nhất 1 điểm tắc, phải đi vòng qua đường dã chiến chừng 2, 3 km. Trời đêm, nhưng qua ánh đèn pha đủ cho chúng tôi thấy rất nhiều đoàn xe của rất nhiều tỉnh thành đang xuôi, ngược ôm cua đèo núi. Xe nào cũng cắm cờ, dán băng rôn, với những dòng chữ ấm áp nghĩa tình “Vì Miền Bắc thân yêu”…
|
|
Rất nhiều điểm sạt lở, tắc đường, khiến công tác cứu hộ, cứu trợ người dân gặp nhiều khó khăn.
|
Ấm áp, xúc động hơn nữa, khi trên cung đường chúng tôi lên với Bắc Hà, có nhiều nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn của người dân địa phương treo biển có dòng chữ “O đồng”, “Miễn phí” dành cho các đoàn cứu trợ, bất kể đến từ đâu. Có nhiều điểm, còn có người vẫy cờ chào mời xe của các đoàn cứu trợ dừng lại ăn nghỉ. Chừng đó thôi, đủ để cho những mệt mỏi sau cung đường dài của mọi người tan biến.
Đợi đón chúng tôi tại ngã 5 – Thị trấn Bắc Hà, là chị Trần Thị Kim Dung – Viện trưởng VKSND huyện Bắc Hà cùng anh em cán bộ đơn vị. Xung quanh địa điểm trung tâm này, đã có rất nhiều xe của các đoàn cứu trợ lên trước dừng đỗ.
“Đoàn mình mệt không? Giờ tắm rửa qua xíu rồi mình đi ăn cơm, sáng mai vào sớm với bà con Nậm Tông nhé” – Chị Dung nhẹ nhàng khiến chúng tôi bất ngờ, bởi lúc này đã gần 9h đêm. Vậy mà chị cùng anh em đơn vị vẫn nhịn đói chờ đón đoàn.
|
|
Công an huyện Bắc Hà tận tình hướng dẫn các đoàn thiện nguyện lên với bà con đồng bào đang tang thương, mất mát.
|
Càng bất ngờ hơn, khi bên mâm cơm đạm bạc, chị Dung cho biết, mình mới chuyển công tác từ Si Ma Cai về Bắc Hà 11 ngày, nhưng đã kịp nắm tình hình ở những thôn bản thiệt hại nặng nề nhất, để kết nối và đưa các đoàn cứu trợ vào với bà con. Rồi chị còn liên hệ, kết nối để các đoàn cứu trợ ở miễn phí tại các khách sạn, nhà nghỉ ở thị trấn Bắc Hà. Đoàn chúng tôi cũng vậy.
“Tấm lòng cả nước hướng về và lên với Bắc Hà, thì người Bắc Hà cũng mong mỏi được góp chút công chút của vào với những tấm lòng thiện nguyện. Anh em VKSND Bắc Hà cũng vậy mà em” – Chị Dung cười nói nhẹ nhàng.
Nữ Viện trưởng này lại tiếp: "Sáng mai, anh em VKS Bắc Hà sẽ đưa đoàn mình vào với bà con Nậm Tông. Đường đi vào sẽ rất khó khăn đấy, nhưng trong đó có 10 hộ mất sạch nhà cửa, 34 người chết và mất tích. Khó khăn, vất vả như nào mình cũng bằng mọi cách vào đấy nhé!".
|
|
Đồng chí Trần Thị Kim Dung - Viện trưởng VKSND huyện Bắc Hà đến với người dân đồng bào.
|
Mọi chuyện như đã sắp xếp đâu vào đấy. Cứ như thể người nữ Viện trưởng này là 1 “chuyên gia” cứu trợ chuyên nghiệp. Kể cả phần nhu yếu phẩm hay phần tiền phát cho bà con, cũng được chị Dung sắp xếp bố trí bài bản trên cơ sở nguồn hàng và tiền sẵn có của đoàn: Với những hộ mất sạch nhà cửa, mình ủng hộ 5 triệu đồng; với những hộ có người chết, mình ủng hộ thêm 5 triệu đồng, để chia sẻ mất mát và cũng để họ “có cái tấm cái món” nhằm sắm sửa, phục hồi bước đầu sau thiệt hại.
Sáng hôm sau chúng tôi vào với bà con Nậm Tông sớm. Trên chiếc xe bán tải 2 cầu do VKSND Bắc Hà mượn của đơn vị bạn, anh Ngô Anh Chiến – Phó Viện trưởng thông tin thêm: Mới tìm được thêm 2 người mất tích bị vùi lấp dưới bùn đất, giờ còn 5 người nữa ở Nậm Tông chưa tìm được.
Sau hơn 1 tiếng lắc lư đèo núi, qua rất nhiều điểm sạt lở nhồi lên, ném xuống, đoàn chúng tôi vào cuối thôn Nậm Kha 2. Cứ tưởng đi lạc, nhưng không! Chiến nói: Mình vào điểm ở, sinh hoạt dã chiến dành cho bà con trong này, phát nhu yếu phẩm để bếp dã chiến có đồ dùng, ở đấy có 33 hộ dân đang ở tạm.
|
|
Cán bộ Kiểm sát VKSND huyện Bắc Hà vận chuyển hàng cứu trợ đến với người dân thôn bản.
|
Phát xong nhu yếu phẩm ở đây, chúng tôi quay ra để vào thôn Nậm Tông. Chỉ còn cách chừng 8 km thì đường bị tắc, do điểm sạt lở mới, xe máy đang hối hả khắc phục. Sau 2 tiếng cũng tạm thông đường, nhưng phải xe bán tải 2 cầu mới bò qua được. Có lúc, anh Chiến cùng anh em VKS phải xuống đẩy sau thùng xe, mới vượt qua điểm tắc. Vào đến nơi, phải "tăng bo" bằng xe máy mới lên được với người dân Nậm Tông đang ở điểm sinh hoạt tạm, an toàn trên núi.
Nhìn người dân nơi đây vừa trải qua thiên tai, hoạn nạn, chúng tôi không ai cầm được lòng mình. Thương nữa, là lực lượng cứu hộ như bộ đội, công an, hơn 1 tuần trời cắm chốt dã chiến, người bê bết bới đất, dời đá, cố tìm trong đống đổ nát giờ chỉ còn là tàn tích sự sống, để kiếm tìm những người mất tích. Trong chúng tôi lúc đó, ai cũng ước có được nhiều tiền, nhiều nhu yếu phẩm hơn nữa, để hỗ trợ bà con và lực lượng chức năng đang làm công tác cứu hộ, cứu trợ ở đây.
|
|
Hàng hóa cứu trợ phải "tăng-bo" bằng xe bán tải 2 cầu mới vào được với dân bản.
|
Dùng dằng, xót thương cũng phải rời Nậm Tông sau khi đã phát hết phần quà phần tiền chuẩn bị từ trước, đoàn chúng tôi quay ngược trở lại thị trấn Bắc Hà. Trên đường quay ra, một thành viên trong đoàn ngậm ngùi nói: Thương người dân nơi đây quá! Em còn ít chục dự tính để công việc, nhưng thôi, nhờ VKS kết nối cho em 1 điểm có nhiều người dân khó khăn bị thiệt hại nữa đi, mình ủng hộ thêm cho bà con được đồng nào hay đồng ấy.
Sau vài cuộc điện thoại, anh Ngô Anh Chiến - Phó Viện trưởng VKSND huyện Bắc Hà nói với chúng tôi: "Giờ còn nhiều điểm, nhưng mình lên xã Hoàng Thu Phố đi, có thôn Hoàng Hạ 1 gia đình mất hết 3 trụ cột sau cơn bão vừa rồi, giờ chỉ còn 2 bà cháu, ở đó cũng có 17 hộ thiệt hại nặng nề, khó khăn".
|
|
VKSND huyện Bắc Hà kết nối, trao quà cho lực lượng cứu hộ ở Nậm Tông.
|
Vậy là đoàn chúng tôi lại được anh em VKS Bắc Hà kết nối, đưa đến tận nơi. Dẫu rằng, cung đường từ UBND xã Hoàng Thu Phố vào với thôn Hoàng Hạ thực sự khủng khiếp, non 10km nhưng đi hơn 1 tiếng đồng hồ, với 1 bên là vách núi, 1 bên là vực sâu hun hút, rất nhiều điểm sạt lở mới khắc phục sơ sài. Chỉ sơ sẩy lạc tay lái 1 chút thôi, là người và xe rơi theo đất đá…
Tại đây, trao tiền ủng hộ cho 17 hộ dân xong, chúng tôi quay ngược trở ra thị trấn Bắc Hà khi trời đã tối mịt. Sáng hôm sau, lại được lãnh đạo VKSND Bắc Hà kết nối, đưa đoàn sang Bệnh viện huyện, để trao tiền ủng hộ cho 2 bà cháu mất 3 người thân đang điều trị nội trú.
|
|
Trao quà cho bà cháu còn lại trong 1 gia đình đã mất 3 người thân là trụ cột vì lũ quét.
|
Nhìn chị Trần Thị Kim Dung – Viện trưởng VKSND huyện Bắc Hà cầm từng gói kẹo bánh, sữa… đã chuẩn bị từ trước, phát đều cho hàng chục cháu nhỏ người đồng bào đang điều trị nội trú, tôi phần nào hiểu được, tại sao mới về đơn vị này 11 ngày, đúng thời điểm người dân Bắc Hà gánh chịu thiên tai, hoạn nạn, chị đã kịp nắm bắt hết tình hình ở địa phương, cũng như của người dân, rồi kết nối những tấm lòng thiện nguyện đến với người dân thiệt hại. Bởi ở chị, ngoài trách nhiệm của 1 “thủ lĩnh”, thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Kiểm sát, còn chứa đứng trong đó tấm lòng nhân ái, được bồi đắp từ mạch nguồn tâm sông, bụng núi cao nguyên Bắc Hà, khoáng đạt bao la như mây trời Tây Bắc. Anh em cán bộ đơn vị chị cũng vậy!
Nghĩa tình Kiểm sát Bắc Hà ấn tượng đến mức, đoàn chúng tôi rời núi về xuôi, cứ mở để nghe đi nghe lại bài hát “Bắc Hà yêu thương!”, rồi cùng nhau hát theo những điệp khúc: “Người Bắc Hà nghĩa nặng tình sâu”, “Người Bắc Hà như chén rượu nồng say”…
|
|
Cán bộ Kiểm sát Bắc Hà nghĩa tình đến với bà con thôn bản gặp hoạn nạn sau thiên tai.
|
Mong lắm một ngày, chúng tôi quay lại Bắc Hà, khi hậu quả của thiên tai, lũ quét đã khắc phục, hồi sinh... Để được thảnh thơi đi trên những cung đường đèo ôm bụng núi, xuyên qua những rừng mận rừng mơ bung nở bạt ngàn hoa trắng, ngắm nhìn núi rừng, mây trời Tây Bắc hùng vĩ, được gặp lại những cán bộ khoác trên mình màu áo thiên thanh với tâm thiện lành.
Những cán bộ Kiểm sát đang ngày ngày miệt mài vượt qua những khó khăn thường trực ở núi rừng biên viễn xứ Bắc, để làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của ngành Kiểm sát nhân dân; góp phần cùng cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn du lịch trọng điểm của Lào Cai.