Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã minh chứng rằng, mỗi khi đất nước ta gặp phải thiên tai, địch họa, dịch bệnh thì tinh thần tương thân tương ái lại càng được tô đậm thêm, nó sinh sôi nảy nở và tỏa sáng lung linh. Đúng là, trong cơn hoạn nạn mới thấu tỏ lòng nhau. Những khi ấy, triết lý sống của người Việt “Thương người như thể thương thân”; “Lá lành đùm lá rách”; “lá rách ít đùm lá rách nhiều”... luôn được phát huy, trở thành hành động cụ thể của nhiều tập thể, cá nhân trong xã hội. Trong đại dịch COVID-19 này cũng vậy, truyền thống đoàn kết, gắn bó, yêu thương, giúp đỡ nhau của người Việt Nam một lần nữa lại tỏa sáng, thật đáng trân trọng.
|
|
Một người phụ nữ đổ đầy gạo vào túi ni lông từ máy rút gạo tự động "ATM gạo" 24/7 tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 11/4. Ảnh: Reuters. |
Khi đại dịch COVID-19 đã và đang diễn ra ở Việt Nam, có hàng nghìn người không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, địa vị, tôn giáo ở khắp ba miền Bắc - Trung – Nam, kiều bào ở nước ngoài... cũng đã chung tay đóng góp cho quỹ chống dịch. Tùy theo khả năng của từng người mà đóng góp, ít hay nhiều cũng đều là tấm lòng vàng cả. Trân trọng ghi nhận nghĩa cử của các doanh nghiệp hay các nghệ sĩ đã tự nguyện quyên góp ủng hộ hàng trăm tỉ đồng vào Quỹ Phòng, chống COVID-19. Thật xúc động khi có nhiều người dân bình thường, không giàu có nhưng đã bỏ tiền túi của mình ra mua khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn…phát miễn phí cho ai chưa có. Họ chẳng nghĩ gì mà chỉ muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào việc phòng, chống đại dịch COVID-19. Và thật sự xúc động khi biết có nhiều cháu nhỏ đã lấy tiền mừng tuổi của mình để mua khẩu trang phát cho bà con.
Việc hay, việc tốt gặp giữa đời thường đã làm ấm lòng người dân cả nước; đó đây đã mọc lên những chỗ phát đồ ăn, thức uống cho người nghèo khó; giảm hoặc miễn tiền thuê nhà trọ cho sinh viên, cho người bệnh hoặc người có khó khăn về kinh tế... Khi viết những dòng chữ này, chúng ta cũng cảm kích khi thấy nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp gạo cho các cây ATM gạo tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Bình Thuận, Cà Mau để hỗ trợ người nghèo. Nhìn cảnh người người tấp nập mang gạo đến cho cây ATM gạo, và nhiều người được phát gạo mang về mới cảm nhận được tình cảm thương yêu con người lúc này còn quan trọng hơn cả tiền bạc. Không chỉ người dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài cũng thấm đẫm tinh thần “Bầu ơi thương lấy bí cùng” để hướng về cội nguồn, chung tay phòng, chống dịch COVID-19. Cuộc sống mưu sinh nơi đất khách quê người, tuy nhọc nhằn, gian khó nhưng Hội Người Việt ở Ba Lan, Cộng hòa Czech, hỗ trợ vật chất, chia sẻ tinh thần với người dân vùng dịch Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc...
|
|
600 gói thực phẩm được trao cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tại phường 1, quận Bình Thạnh, TP HCM. Ảnh: PV |
Sự vất vả, hiểm nguy không ngăn cản được tinh thần của các “chiến binh áo trắng”. Tại các cơ sở y tế khắp cả nước, các y, bác sĩ, y tá, hộ lý, điều dưỡng viên…đã có nhiều ngày đêm nối tiếp nhau bám bệnh viện, vì người bệnh thân yêu. Họ là những “chiến sĩ áo trắng” vững vàng trên tuyến đầu chống dịch COVID-19, dù phải cách xa gia đình, người thân và đối mặt với nhiều hiểm nguy, bất an vì kẻ thù vô hình. Họ phải đối diện với nguy cơ có thể bị lây nhiễm COVID-19 bất cứ lúc nào. Hình ảnh những bác sĩ, y tá, trên mặt hằn vết khẩu trang, mặc kín đồ bảo hộ, mồ hôi ướt đẫm nhưng vẫn khám, chữa trị cho bệnh nhân làm chúng ta nao lòng. Vì thế, không lấy làm lạ khi những chiếc khẩu trang, bộ đồ bảo hộ, chai nước sát khuẩn hay những suất ăn do người dân ủng hộ đến tay họ đều quý giá. Đó cũng là nguồn động viên ấm áp và rất cần thiết với những người đang có mặt trên tuyến đầu chống dịch COVID-19.
|
|
Nhóm thiện nguyện “Quán cơm yên vui” phát cho người có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: TTXVN |
Các lực lượng Quân đội, Công an sẵn sàng ngủ tại những chiếc lán dựng tạm ở bìa rừng để dành doanh trại cho những người đến cách ly. Sương gió, lạnh giá Giêng hai, cả cái rét nàng Bân nữa vẫn không làm cho những chiến sĩ nản lòng vì họ biết người lính Cụ Hồ phải vì nhân dân phục vụ. Đội quân chiến đấu, đội quân công tác đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong trận đánh mới này. Tình quân dân lại sáng tỏa trong thời bình nhắc ta nhớ tới thời gian đánh giặc năm xưa. Bên cạnh đó, nhiều trường học, khách sạn, resort đã trở thành khu vực cách ly với những trang bị, vật dụng, tiện nghi sinh hoạt cần thiết để đón công dân Việt Nam từ vùng dịch ở nước ngoài trở về. Với nhiều người thuộc diện cách ly thì 14 ngày sống tại những trung tâm này đã lưu lại các kỷ niệm đẹp khó quên về tinh thần phục vụ quên mình, tình yêu thương của các chiến sĩ bộ đội, công an, thầy thuốc... Có người khỏi bệnh, hoặc sau khi cách ly được về nhà, có cả người ngoại quốc đã viết thư, phát biểu bày tỏ tình cảm, lòng khâm phục của mình đối với những chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch tận tụy, nhân hậu làm xúc động lòng người.
Có thể nói, trong bất cứ khó khăn nào, tại Việt Nam đã có vô vàn nghĩa cử cao đẹp thắm đượm tình người. Lòng yêu nước, thương dân, tình người cứ thế thắp lên, sưởi ấm cuộc sống. Biết bao câu chuyện cảm động, những tấm gương người tốt, việc tốt tỏa chiếu dòng đời. Có thể xem đó là cội nguồn, nguyên do tạo nên sức mạnh to lớn của dân tộc ta. Đúng là, Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Nếu tất cả chúng ta lấy gương người tốt, việc tốt ấy để soi mình, để làm theo, để nhắc nhở nhau thì chắc chắn xã hội sẽ hết sức tốt đẹp. Nhớ lời Bác Hồ dặn: Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp. Mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Đất nước ta là một rừng hoa đẹp. Sống trong những ngày này, lòng ta tràn ngập nhiều cảm xúc khi nghĩ tới đồng bào, đồng chí thân yêu. Đúng là:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Câu thơ gieo những nhớ nhung
Nghĩa tình nhân ái, thủy chung bao đời
Khó khăn càng thắm tình người
Tình thương dân Việt, rạng ngời vinh quang
Cùng nhau vượt mọi gian nan
Chung tay xây đắp huy hoàng tương lai.
TS. Dương Thanh Biểu