Vừa qua, Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Thái Nguyên đã mở lớp tập huấn chính sách pháp luật lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để hiểu rõ và áp dụng vào đơn vị của mình. Tại hội nghị này, đồng chí Nguyễn Mạnh Bạo, Trưởng phòng chính sách lao động thuộc Sở lao động thương binh và xa hội tỉnh Thái Nguyên phát biểu:
|
|
Đồng chí: Nguyễn Mạnh Bạo, Trưởng phòng chính sách lao động thuộc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trọng Tài) |
Với quan điểm xuyên suốt “đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, từng bước đưa địa phương vươn lên vị trí là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư. Sự có mặt của các tập đoàn lớn, sự phát triển đa dạng của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực, nhằm mục đích giúp các doanh nghiệp, đơn vị hiểu và tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện chính sách pháp luật lao động; Hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh trong việc áp dụng, thực hiện pháp luật thuộc lĩnh vực lao động. Đồng thời, qua trao đổi chúng ta sẽ phát hiện được những vướng mắc trong thực tiễn, để kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện chính sách sát yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh và chế độ chính sách đối với người lao động. Tại hội nghị tập huấn, tuyên truyền này sẽ tập trung vào hai nội dung chủ yếu: Thứ nhất, giới thiệu chính sách pháp luật lao động. Thứ hai, nội dung trọng tâm là trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật lao động.. Với mục tiêu cao nhất là giải đáp kịp thời, những vướng mắc của người sử dụng lao động, tôi đề nghị các nội dung đối thoại phải ngắn gọn, đúng trọng tâm cụ thể, có tính thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn…
Tại lớp tập huấn này, đồng chí Ngô Hoàng, Phó vụ trưởng vụ pháp chế Bộ lao động thương binh và xã hội đã trình bày cũng như phân tích các nội dung thay đổi về chính sách Bảo hiểm xã hội năm 2024, giới thiệu Luật BHXH sửa đổi và các nội dung mới của Bộ luật lao động 2019.
|
|
Toàn cảnh hội nghị tập huấn. (Ảnh: Trọng Tài) |
Những điểm thay đổi quan trọng về chính sách pháp luật lao động như: Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, thay đổi điều kiện hưởng lương hưu, lao động chưa thành niên, quy định riêng đối với lao động nữ. Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, nêu rõ, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng Bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Tuổi nghỉ hưu năm 2024 tăng lên so với năm 2023. Do đó, điều kiện hưởng lương hưu năm 2024 của người lao động cũng thay đổi. Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH nhờ cải cách chính sách tiền lương: Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 thì từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Đồng thời, thực hiện điều chỉnh lương hưu, căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội 2014, các khoản trợ cấp hiện nay được hưởng gắn với mức lương cơ sở gồm: Trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc khi nhận con nuôi, trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau hoặc sau thai sản, trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng.
|
|
Đồng chí: Ngô Hoàng, Phó vụ Trưởng vụ pháp chế thuyết trình chính sách pháp luật cho các đại biểu. (Ảnh: Trọng Tài) |
Bên cạnh đó, Bộ luật Lao động 2019 quy định nhiều điểm thay đổi quan trọng về hợp đồng lao động, cụ thể: Tăng tính nhận diện các quan hệ lao động diễn ra trên thực tế. Không còn loại Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định. Không áp dụng thử việc đối với hợp đồng lao động dưới 1 tháng. Thêm 2 trường hợp tạm hoãn hợp đồng lao động. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do. Bổ sung quy định về những trường hợp được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước. 02 trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần báo trước. Quy định hợp lý về thời gian giải quyết và trách nhiệm của 2 bên khi chấm dứt hợp đồng lao động. Về nội dung bắt buộc phải có trong hợp đồng lao động, hiện nay chỉ yêu cầu phải có Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp, từ ngày 01/01/2021, yêu cầu phải có "Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động"…
Quy định mới về lương, thưởng: Người sử dụng lao động không được ép người lao động dùng lương mua hàng hóa, dịch vụ của mình/đơn vị khác. NSDLĐ phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động vào mỗi lần trả lương. Quy định mới về lãi suất khi tính tiền đền bù do chậm trả lương cho người lao động. Quy định cụ thể Tiền lương ngừng việc khi người lao động phải ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của NSDLĐ hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế. Người lao động được nghỉ 2 ngày dịp Quốc khánh 2/9 và hưởng nguyên lương. Về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi: Không còn quy định cố định thời giờ làm việc không quá 6 giờ trong 1 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Thời gian làm thêm giờ không quá 40 giờ/tháng (hiện hành là không quá 30 giờ/tháng).
|
|
Đại biểu: Nguyễn Thị Mai Hương, Trường Cao đẳng y tế Thái Nguyên phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Trọng Tài) |
Thêm nhiều trường hợp NSDLĐ được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm. Người lao động có thể từ chối làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt nếu công việc đó có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động. Người lao động cao tuổi được thỏa thuận với NSDLĐ về việc rút ngắn thời giờ làm việc (hiện hành do NSDLĐ quyết định). Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai có thể được giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày.
Lớp tập huấn này đã góp phần rất quan trọng đối với người sử dụng lao động vào người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, người sử dụng lao động áp dụng đúng các chính sách, quy định của Nhà nước, quy định của pháp luật, người lao động sẽ không bị thiệt thòi về các chế độ khi họ bỏ ra sức lao động của chính mình.