|
|
Người dân Hà Tĩnh "tay xách, nách mang", lỉnh kỉnh đồ đoàn đón xe vào Nam |
Hành trang mang theo của những người con phải “tha phương cầu thực” là đủ đầy hương vị Tết quê, với “Thịt mỡ, dưa hành”, bánh chưng xanh, hộp kiệu muối cùng những món quà đặc sản của quê hương.
“Đã 2 năm rồi vợ chồng mình mới về quê đón Tết. Nay mới ra Tết mấy ngày, đã phải đón xe vào kịp ngày làm của công ty. Nhớ nhà lắm! Bố mẹ 2 bên cũng kịp gói cho cặp bánh chưng, con giò mỡ để vào Bình Dương có thêm hương vị Tết quê cùng anh em trong đó” – Anh Trần Thanh Tân, ở Thạch Khê – Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết.
|
|
Những điểm đón xe khách dọc QL1A tập trung đông hành khách. |
Phần lớn, những người dân từ miền Nam về các tỉnh phía Bắc ăn Tết đều là công nhân, lao động tự do tại các tỉnh, thành phố lớn ở phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… Tập trung nhiều nhất, vẫn là công nhân tại các khu công nghiệp, với đồng lương “ba cọc ba đồng” nên mỗi dịp về quê đón Tết cùng gia đình là cả một sự nổ lực, chắt chiu kinh tế.
Nhiều người trong số này, không mua được vé xe khách trong Tết, nên ra Tết tập trung đứng đón xe dọc Quốc lộ 1A. Mà xe khách những ngày Tết thường “cháy vé”, tăng giá vé gấp 2, gấp 3 ngày thường vẫn không còn chỗ trống.
“Mình đứng đón ở ngã ba bến xe mới từ sáng đến giờ không được. Cả nhà bắt taxi ra ngã ba Thạch Long này với hi vọng đón được xe trong ngày. Chấp nhận từ đây vào Sài Gòn giá vé gấp đôi ngày thường (1.800.000đ) vẫn chưa đón được xe” – anh Hùng ở xã Hà Linh (Hương Khê – Hà Tĩnh) cho biết.
|
|
Những đứa trẻ chưa kịp chơi hết Tết đã theo bố mẹ ra quốc lộ đón xe khách vào Nam. |
Hầu hết, các điểm đón xe khách dọc Quốc lộ 1A chạy qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh, đều tập trung rất đông người dân đón xe khách vào Nam. Gần như “cung vượt quá cầu”, dẫu lượng xe khách chạy trên tuyến Bắc - Nam những ngày này phút nào cũng có xe qua.
“Hầu như hãng xe nào cũng tăng chuyến vào Nam sau Tết, chạy xuyên ngày xuyên đêm, trả khách xong, không có khách ra Bắc vẫn quay đầu xe, chạy xe trống ra Bắc để kịp đón lượng khách rất lớn vào Nam. Từ nay đến Rằm tháng Giêng chạy xuyên ngày xuyên đêm, khách vào Nam vẫn chật cứng” – Anh Dũng, một tài xế xe khách tại Hà Tĩnh cho biết.
Lượng xe và lượng khách từ Bắc vào Nam tăng đột biết sau Tết Nguyên đán, cũng khiến cho lực lượng CSGT các địa phương vất vả, khi phải thường xuyên tuần tra, kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xe khách nhồi nhét khách, chạy ẩu, tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
|
|
Các hãng xe đều tăng chuyến nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. |
Thượng tá Lưu Văn Tiến – Trưởng phòng CSGT Công an Hà Tĩnh cho biết, trước, trong và sau Tết nguyên đán, Phòng đã “trực chiến” 100% quân số, triển khai đợt cao điểm nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên toàn tuyến.
“Sau Tết, lượng người dân vào Nam làm việc, lượng sinh viên trở lại các trường học phía Nam tăng đột biết, nên chúng tôi huy động 100% quân số, tổ chức các tổ, đội tuần tra kiểm soát chặt chẽ các bến xe khách, tuyến đường trọng yếu trên toàn tỉnh, nhất là Quốc lộ 1A, nhằm kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu, nhồi nhét hành khách, chở vượt số người, dừng đỗ, đón khách không đúng nơi quy định, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên toàn tuyến và đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách đi xe ” – Thượng tá Lưu Văn Tiến cho biết.
Nhìn những dòng người lũ lượt về quê vui Xuân đón Tết, rồi lại lũ lượt rời quê khi hội làng bắt đầu dóng trống, người viết không khỏi bùi ngùi. Những đứa trẻ vẫn còn nguyên bộ quần áo mới, đã lấm bụi đường đón xe cùng bố mẹ vào Nam mưu sinh, lỉnh kỉnh đồ đoàn là cơ man hương vị Tết… Chợt day dứt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Bùi Quang Thanh – nguyên Trưởng đại diện cơ quan Miền Trung – Tây Nguyên báo Bảo vệ pháp luật: “Hết Tết rồi bà con lại rời quê/Tay xách, nách mang xe Nam tàu Bắc/Vạt ruộng quê sau những ngày giá buốt/Nhõn mạ trắng đồng như tay vẫy rưng rưng..."