leftcenterrightdel
Ảnh: VGP/Minh Thi 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà đã khẳng định, trong những năm qua, lĩnh vực việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta đã có những bước tiến đáng kể, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn xã hội. Trong các thành tựu chung đó, công tác truyền thông về lĩnh vực này đã từng bước được đẩy mạnh với vai trò nổi bật của các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng trên hầu hết các loại hình báo chí, từ báo in, phát thanh - truyền hình đến báo điện tử.

Thông qua sự phản ánh của báo chí, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động, các ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về các chính sách giải quyết việc làm, kết nối cung cầu lao động, bảo hiểm thất nghiệp đã được nâng lên, góp phần vào việc hoàn thành các chỉ tiêu về lao động - việc làm trên cả nước.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ rõ, bên cạnh nhiều thành tựu đáng ghi nhận, công tác truyền thông về việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp cũng còn nhiều hạn chế.

Nguyên nhân có nhiều nhưng một phần cũng là do truyền thông về lĩnh vực này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến nhận thức của cộng đồng nói chung và của từng doanh nghiệp, người lao động nói riêng về việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp vẫn chưa đầy đủ; chưa thấy hết được lợi ích lâu dài của bảo hiểm thất nghiệp, về vai trò của các trung tâm dịch vụ việc làm, về các chính sách việc cho các đối tượng đặc thù như: Thanh niên, người cao tuổi, người khuyết tật, người học nghề… Hiểu biết của không ít người lao động về quyền và nghĩa vụ bảo đảm việc làm, nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội còn mờ nhạt.

Vậy làm thế nào để đưa các chính sách việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp đi vào cuộc sống một cách sâu rộng hơn nữa? Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Hàm Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương thì báo chí có vai trò vô cùng to lớn trong công tác này.

Với vai trò của mình, báo chí một mặt cần phải khai thác và chuyển tải kịp thời đến các đối tượng trên đầy đủ, chính xác chủ trương, chính sách của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan chức năng trong lĩnh vực lao động, việc làm; định hướng nhận thức cho người lao động cách nhận biết, phân biệt thông tin thật, giả về việc làm.

Đồng thời, báo chí có trách nhiệm tham vấn, định hướng người lao động tìm được công việc theo mong muốn; biết cách lựa chọn việc làm phù hợp với năng lực, sức khỏe, trình độ của mình; cảnh báo kịp thời thị trường lao động giả... Thực tế, nhiều cơ quan báo chí đã phát hiện, chỉ ra những vụ việc tiêu cực trong tuyển dụng, sử dụng lao động của nhiều doanh nghiệp giúp các cơ quan chức năng can thiệp kịp thời để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Bên cạnh đó, báo chí chính là diễn đàn trao đổi công khai, thẳng thắn giữa những người làm chính sách, cơ quan ban hành chính sách với đông đảo người dân, doanh nghiệp… Đồng thời, báo chí là kênh thông tin rộng lớn và nhanh nhất, cung cấp thông tin, kinh nghiệm về xây dựng và thực thi chính sách của Nhà nước, để người dân, nhà quản lý, tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước tham khảo, học tập.

Thực tế, trong những năm qua đã chứng minh, nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là chính sách đầu tư, phát triển kinh tế, chính sách an sinh - xã hội (trong đó có các chính sách về việc làm, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp) đã được người dân góp ý phản biện rộng rãi, tích cực.

Ví dụ như, các dự thảo chính sách nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động hiện nay, cải cách chính sách tiền lương, chính sách xuất khẩu nông sản, chính sách nhập khẩu ô tô, chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, chính sách thuế tài sản,… đều được người dân, doanh nghiệp, chuyên gia góp ý, phản hồi một cách tích cực.

Đặc biệt, cũng thông qua sự lên tiếng của báo chí, nhiều chính sách đi vào thực thi có những bất cập cũng được nhân dân phản biện thông qua báo chí, đã được Nhà nước điều chỉnh kịp thời.

Minh Thi/Chinhphu.vn