Thay đổi từ từ
Theo Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia Trần Hồng Quang, cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã có tác động nhất định và sẽ tác động ngày càng nhanh đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội tại Việt Nam, trong đó lĩnh vực lao động, việc làm được cho là ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của khoa học và công nghệ nói chung, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và công nghệ robot, công nghệ tự động hóa nói riêng...
|
|
Đổi mới phương pháp giảng dạy tại trường Cao đẳng Điện tử Điện lạnh Hà Nội |
Những tác động này dễ thấy nhất tại các cơ sở đào tạo nghề. Thầy Phạm Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Điện tử - điện lạnh Hà Nội chia sẻ: “Cách đây khoảng 10 năm, nghề điện tử - viễn thông có rất đông người đăng ký theo học. Có những năm, số người đăng ký xếp hàng dài đến tận tối mới nhập xong hồ sơ. Số lượng đăng ký theo học lên đến hàng nghìn. Thời điểm đó, các tập đoàn viễn thông như Viettel, VNPT rất cần người lao động kỹ thuật mảng này. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, lĩnh vực này rất khó tuyển sinh. Điều đó phản ánh thị trường lao động điện tử - viễn thông đã bão hòa. Trong khi đó, lĩnh vực kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, tin học ứng dụng, tự động hóa công nghiệp lại có nhu cầu gia tăng”.
“Một điểm khá mới trên thị trường đào tạo nghề hiện nay là nhiều người muốn học lớp ngắn hạn để thành thạo chuyên sâu về chuyên ngành nhất định và không cần bằng. Do đó, trường mở những lớp ngắn hạn học 7 - 10 ngày theo nhu cầu như đào tạo bếp từ vi sóng, sửa mạch điều hòa… Đây là những học viên học nghề để làm chuyên sâu lĩnh vực mà thị trường đang cần. Điều này cho thấy sự linh động trong chuyển nghề trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”, thầy Phạm Tiến Dũng chia sẻ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Phạm Minh Huân chia sẻ, cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động hai mặt: Một mặt nâng cao năng suất, chất lượng dẫn đến hiệu quả kinh tế cao hơn; mặt khác là liên quan trực tiếp đến người lao động, tạo sự đào thải khi “máy móc hóa” quá trình sản xuất. Khi doanh nghiệp tái cơ cấu, đưa công nghệ thiết bị vào thì tất yếu sẽ dôi dư lao động.
Theo các chuyên gia kinh tế, công nghiệp kỹ thuật số sẽ làm thay đổi bản chất của các công việc trong tương lai. Ảnh hưởng lớn nhất của cách mạng công nghiệp 4.0 không phải mất việc làm mà thay đổi về yêu cầu của công việc. Tự động hóa sẽ làm thay đổi những nội dung kỹ năng, thay đổi công nghệ dẫn đến phân cực thị trường lao động.
Liên kết cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp
Theo thống kê, sẽ có khoảng 75% lực lượng lao động ở Việt Nam bị tác động bởi cách mạng công nghiệp 4.0. Những ngành nghề bị tác động nhiều nhất thường là những ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, công nhân trong các nhà máy, nhân viên thu ngân... Bên cạnh đó, cũng có nhiều ngành nghề mới xuất hiện thu hút rất nhiều lực lượng lao động như các ngành nghề liên quan đến cơ điện tử, tự động công nghiệp, phát triển internet di động, điện toán đám mây...
|
|
Thị trường lao động cần nhiều lao động có kỹ năng nghề |
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân, cách mạng công nghiệp 4.0 có rất nhiều ngành nghề mới nhưng cũng có rất nhiều công việc cần có nhu cầu nhân lực cao để chuyển đổi. Bên cạnh đó, xã hội không còn chạy theo bằng cấp mà chú trọng đến tay nghề và kỹ năng đáp ứng công việc mới nhiều hơn. Việc đào tạo và đào tạo lại với một nguồn tuyển sinh rất lớn, lên đến 55 triệu lao động. Do đó, việc đào tạo kỹ năng nghề gắn liền giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp.
Có thể thấy rằng, cơ hội cho các cơ sở giáo dục đào tạo là rất lớn nhưng hiện nay các điều kiện đảm bảo cho sự đổi mới, thích ứng vẫn còn hạn chế. Theo đó giáo dục nghề nghiệp là tập trung phát triển kỹ năng cho người lao động, đáp ứng được yêu cầu trong thời đại mới. “Trên thế giới, giáo dục nghề nghiệp luôn chiếm 40 - 60%, thậm chí có những quốc gia phân luồng phân khúc giáo dục nghề nghiệp 80%, đại học chỉ đào tạo ra những tinh hoa. Một trường nghề không thể ngồi nghĩ phải làm hay không làm gì mà phải thiết kế được một mô hình tổng thể và phải có mô hình, phương thức thông minh thì mới tạo được cạnh tranh”, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân cho biết.
Còn thầy Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội cho biết: Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp liên kết với trường đào tạo các lớp ngắn hạn về hàn, sửa chữa ô tô, xe nâng, máy xúc… Liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp đang trở thành xu hướng trước biến động thị trường lao động cần những kỹ năng nghề chuyên sâu trước tác động của ứng dụng khoa học công nghệ rộng rãi.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết: Lao động qua đào tạo tại Việt Nam chỉ chiếm hơn 60% tổng số lực lượng lao động, trong đó chỉ khoảng 21% được đào tạo có chứng chỉ và thời hạn đào tạo từ 3 tháng trở lên. Do đó, khi bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, lực lượng lao động sẽ gặp thách thức rất lớn. Trách nhiệm, vai trò đầu tiên là của Nhà nước phải định hướng, xác định đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu hướng 4.0. Về phía doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải tự mình nghiên cứu để chuẩn bị nguồn lực, đầu tư, hỗ trợ cho người lao động tiếp cận khoa học kỹ thuật mới. Do đó, đào tạo nghề gắn liền với doanh nghiệp.
Xuân Cường/Báo Tin tức