Những thoả thuận, cam kết trong hợp đồng có lợi cho người lao động tiếp tục được thực hiện.
Liên đoàn Lao động TP Hà Nội vừa có công văn hướng dẫn thực hiện Nghị định 38 quy định về mức lương làm thêm, bán thời gian theo giờ tại Hà Nội, TPHCM kể từ ngày 1/7.
Theo đó, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội trả lương tối thiểu giờ cho người lao động theo vùng I và vùng II. Tương ứng là 22.500 và 20.000 đồng/giờ.
Cụ thể, mức lương tối thiểu 22.500 đồng/giờ áp dụng cho các doanh nghiệp nằm trên địa bàn vùng I gồm 12 quận. Đó là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, 12 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây.
Các quận, huyện này cũng áp dụng lương tối thiểu 4,68 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7. Mức lương tối thiểu 20.000 đồng/giờ áp dụng đối với doanh nghiệp trên địa bàn vùng 2 gồm 6 huyện là Ba Vì, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Ứng Hòa, Phú Xuyên.
Ngoài mức lương tối thiểu theo giờ bắt đầu được áp dụng từ năm nay, mức lương tối thiểu theo tháng tăng 6% cũng được áp dụng tại 2 vùng. Vùng 1 là 4,68 triệu đồng và vùng 2 là 4,16 triệu đồng.
Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với doanh nghiệp xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu.
Liên đoàn Lao động TP Hà Nội lưu ý doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Cùng với đó là chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định.
Các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc thỏa thuận hợp pháp có lợi cho người lao động tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Các nội dung đang thực hiện như tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi học nghề, đào tạo cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện.
Tại TPHCM, người lao động nhận lương tối thiểu 22.500 đồng/giờ (vùng I). Điều kiện áp dụng nếu làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP Thủ Đức, các Quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Tân và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè.
Tương tự như Hà Nội, các địa phương vùng I ở TPHCM áp dụng lương tối thiểu 4,68 triệu đồng/tháng.
Riêng huyện Cần Giờ thuộc vùng II nên mức tối thiểu giờ trả cho người lao động là 20.000 đồng/giờ và 4,16 triệu đồng/tháng.
Liên đoàn Lao động TPHCM cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ người lao động, công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động trong các hoạt động đối thoại, thương lượng. Đặc biệt là thương lượng tập thể để thỏa thuận về tiền lương và xác lập các điều kiện lao động khác đảm bảo có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác giám sát của Công đoàn đối với việc thực hiện Nghị định 38 và pháp luật về tiền lương tại doanh nghiệp. Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn tham gia thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động. Công đoàn, BHXH, trong đó chú trọng việc thanh toán tiền lương, tiền thưởng tại các đơn vị, doanh nghiệp.
Chủ động nắm bắt tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp. Kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý các vướng mắc phát sinh, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động, đình công trái qui định xảy ra. Bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp.
Trường hợp có tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công tự phát cần chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chức năng trên địa bàn kịp thời giải quyết. Đảm bảo quyền lợi của người lao động, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
Tăng thêm các biện pháp hỗ trợ người sử dụng lao động
Trước đó, tại Tờ trình Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đánh giá, việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 với mức 6% đã tính đến các tác động về việc làm, thất nghiệp. Bên cạnh đó là các điều kiện sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.
Theo Bộ này, khi thực hiện mức lương tối thiểu mới chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc đối với nhóm người lao động hiện nay đang hưởng lương thấp. Đồng thời phải điều chỉnh lại để bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu mới.
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho hay, lương tối thiểu được đại diện các bên xem xét, thống nhất dựa vào nhiều yếu tố. Cụ thể như nhu cầu của người lao động và gia đình, khả năng chi trả của doanh nghiệp...
Tiền lương tối thiểu là mức thấp nhất được luật hóa để đảm bảo mức chi trả cho người lao động giản đơn trong điều kiện làm việc bình thường. Điều này có ý nghĩa là sàn an sinh, là lưới bao phủ bảo vệ người lao động. Doanh nghiệp không có quyền trả thấp hơn mức lương tối thiểu.
Theo bà Hương, việc điều chỉnh lương tối thiểu hàng năm hiện đang phần nào bù đắp tỷ lệ trượt giá ảnh hưởng tới đời sống người lao động. Nhưng điều chỉnh lương tối thiểu cộng các khoản đội lên do tăng giá xăng dầu sẽ ngốn thêm phần chi phí lớn đối với doanh nghiệp.
Vì vậy, ngoài lương, Chính phủ cần tăng thêm các biện pháp hỗ trợ người sử dụng lao động để ổn định sản xuất, tạo việc làm bền vững. Đồng thời kìm chế lạm phát, ổn định giá cả cho người lao động yên tâm sản xuất.
Bộ luật Lao động 2019 đã nêu rõ, Chính phủ quy định lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn. Các loại lương, thu nhập khác thì do hai bên thương lượng, thỏa thuận dựa trên năng suất và kết quả lao động nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật.