Là một nghề nặng nhọc, vất vả và bấp bênh, nhưng vì mưu sinh, những cửu vạn phải gồng mình vượt qua. Họ không chỉ là mưu sinh cơm áo hàng ngày mà còn nuôi những ước mơ như mong muốn cho con cái được đủ đầy, học hành đến nơi đến chốn. Đó là lý do vì sao họ không từ chối bất cứ công việc nào, hễ ai thuê được giá là làm, từ bốc vác, đến chuyển đồ, dọn nhà, lau kính, phụ hồ,...
Những người làm nghề “cửu vạn” với một môi trường làm việc không điều hòa, phòng lạnh, không quạt điện, không máy móc hỗ trợ...họ chỉ biết làm và hoàn thành công việc được thuê bằng chính đôi bàn tay, sức lao động và bằng sức khỏe mà bản thân có. Vậy nhưng “muốn làm cửu vạn cũng không phải dễ”, đặc biệt là cửu vạn bốc vác thì không phải ai cũng làm được, bởi lẽ, ngoài sức khỏe còn đòi hỏi sự dẻo dai và bền bỉ để không nản lòng mà duy trì công việc.
|
|
Không máy móc hỗ trợ, làm việc trong môi trường bụi bặm, chật hẹp... |
Dáng người mảnh khảnh, làn da đen sạm vì phơi mình dưới nắng gió, bàn tay, đôi vai chai sần vì khuân vác hàng hoá...nhân phút nghỉ ngơi khi xe hàng đã đầy để chờ bốc lượt tiếp theo, anh Nguyễn Văn Tiến (xóm Khang- Thạch Liên- Hà Tĩnh) chia sẻ: Cái nghề cửu vạn bốc vác này nhọc lắm, chỉ trừ những ngày ở nhà những ngày mùa, còn lại chúng tôi thường liên hệ các chủ kho hàng hễ họ gọi là tới ngay. Nhiều người mới vào nghề, tối về nhức mỏi không chịu nổi, phải tìm nghề khác sinh sống. Cũng có người cố làm nặng quá mức đến “vẹo” cả xương sống mang bệnh mà bỏ nghề”. Quả thật, kiếm đồng tiền từ nghề “cửu vạn” không hề dễ, có thể nói là phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt”...
|
|
“đổ mồ hôi sôi nước mắt”...vì cuộc sống mưu sinh hằng ngày |
Theo anh Thông, chúng tôi thường được thuê bốc vác hàng hóa, trung bình mỗi lần khuân vác nặng nhọc hàng từ trên xe tải mỗi lượt lên xuống, giá thuê cũng chỉ 40.000 - 50.000 đồng/người/tấn, dù là bèo nhưng mình không làm thì họ thuê người khác nên thà có việc còn hơn không. Tính ra, hôm nào làm được nhiều thì nhận được khoảng 200.000- 300.000 đồng tiền công nhưng cũng phải bốc 4-6 tấn hàng mỗi ngày thì mới được chừng đó. Nghề này nói thật, nó bạc lắm nhưng vì mưu sinh phải làm thôi chứ người thì lúc nào cũng tắm trong mồ hôi đầm đìa...
|
|
Những bước chân nặng nề với những bao hàng trên vai |
Không chỉ nam giới, hình ảnh những người phụ nữ làm nghề cửu vạn trong thời tiết nắng nóng đổ lửa đã khiến nhiều người không khỏi xót xa. Nhìn họ với bữa cơm tạm bợ, người thì ổ bánh mỳ, người lại đùm cơm ở nhà đi, hoặc góp chung tiền mua cơm hộp rồi tụm nhau ngồi dưới gốc cây cùng ăn. Sau bữa cơm trưa, các chị tranh thủ chợp mắt trên những chiếc võng mắc tạm bên vệ đường, hay chỉ đơn giản là dựa vào thân cây dưới cái nắng oi ả, trong tiếng xe cộ ồn ào...
|
|
Bữa cơm trưa của những người phụ nữ làm nghề cửu vạn trong thời tiết nắng nóng đổ lửa đã khiến nhiều người không khỏi xót xa... |
Chị Lê Thị Hiền (xã Mai Phụ- huyện Lộc Hà): Ngày trước, chúng tôi thường đi làm muối, nhưng chỉ làm được mỗi mùa nắng, công sức và thời gian bỏ ra nhiều mà đồng tiền thu về thì bèo bọt quá, nên hầu hết chị em chúng tôi rủ nhau lên thành phố làm "cửu vạn", người ta hay gắn cho chúng tôi với cái tên trìu mến hơn là nghề “thợ Đụng” tức đụng đâu làm đó, không kể thời gian nào...để cho người thuê dễ tìm thì chị em chúng tôi thường tập trung lại, đứng ở một địa điểm nên họ cần giờ nào cũng có người làm. Thu nhập thì bấp bênh nhưng cũng đỡ hơn những ngày làm muối, ngày nhiều việc mà có sức làm thì kiếm vài ba trăm còn có ngày cũng chỉ tốn tiền xe đi về mà không có đồng nào dắt túi...nhiều khi cũng tủi phận vì cứ ngồi “đầu đường, cuối chợ” nhưng mà biết sao được không làm thì lấy gì nuôi gia đình.”
|
|
Họ thường tập trung lại ở một địa điểm... hễ ai thuê là làm. |
Vất vả, nặng nhọc là thế nhưng do lao động chủ yếu là thời vụ, mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động chỉ là giao dịch, thỏa thuận bằng miệng mà không có bất cứ hợp đồng nào, nên khi xảy ra rủi ro, người lao động phải tự gánh chịu hậu quả.
“Trầy xước chân tay là chuyện bình thường, nặng là bị bong gân, trật khớp gối ...làm không cẩn thận thì cũng nhiều rủi ro, mình cũng phải tự chịu. Nhiều người thuê có lòng thương thì họ cho thêm ít tiền để mua thuốc” – anh Tiến chia sẻ thêm.
|
|
Chỉ mới 30 tuổi...nhưng khắc khổ với nghề "cửu vạn" khiến người ta nghĩ anh đã ngoài 40... |
Những người làm nghề “cửu vạn” hầu hết đã trung tuổi, họ bất kể ngày nắng hay ngày mưa, họ - những con người đều có gia cảnh đặc biệt, là những nông dân ở những vùng quê nghèo, không đồng vốn... biết là vất vả, mệt nhọc nhưng cũng chẳng ai dám bỏ nghề bởi họ chỉ phải bỏ sức để kiếm đồng tiền, bát gạo lo cho gia đình...
Linh Thùy